Địa điểm du lịch Úc
26
06

Thành phố Sydney, thủ phủ bang New South Wales

Đánh giá bài này
(0 bình chọn)

Thành phố Sydney là thành phố lớn nhất, nổi tiếng nhất và lâu đời nhất của nước Úc. Sydney cũng là thủ phủ của tiểu bang New South Wales. Dân số của Sydney năm 2015 là gần chạm mốc 5 triệu người. Nằm ở bờ biển phía đông của Úc, thành phố được thiết lập vào năm 1788 tại Sydney Cove bởi Arthur Phillip người dẫn đầu Đoàn tàu Thứ nhất (First Fleet) đến từ Anh.

Được xây dựng xung quanh cảng Jackson với cảnh đẹp nổi tiếng, thành phố Sydney được gọi là "Thành phố Cảng". Đây là trung tâm tài chính lớn nhất của Úc và cũng là một địa điểm du lịch của khách quốc tế, nổi tiếng với nhiều bãi biển đẹp và kiến trúc đôi: Nhà hát opera Sydney (Sydney Opera House) và Cầu Cảng (Harbour Bridge).

Sydney tọa lạc trên một vùng đồng bằng trầm tích ven biển giữa Thái Bình Dương về phía đông và Blue Mountains về phía tây. Thành phố có vịnh biển tự nhiên lớn nhất thế giới, cảng biển Jackson, và hơn 70 vịnh và bãi biển, bao gồm cả bãi biển Bondi nổi tiếng. Khu vực nội thành của Sydney có diện tích 1687 km² (651 mi²) và giống như London mở rộng. Khu vực đô thị (Theo Sở thống kê Sydney) là 12.145 km² (4.689 mi²); một phần lớn của khu vực này là công viên quốc gia và các vùng đất chưa bị đô thị hóa.

Sydney chiếm hai khu vực địa lý: đồng bằng Cumberland, một vùng đồi thoai thoải tương đối bằng phẳng nằm về phía nam và tây của vịnh biển, và đồng bằng Hornsby, một đồng bằng về phía bắc của vịnh, cao trên 389 mét (1276 ft), được chia cắt bởi các thung lũng với các cánh rừng. Phần xưa nhất của thành phố nằm ở khu vực bằng phẳng; đồng bằng Hornsby, được gọi là North Shore, phát triển chậm hơn bởi vì địa hình nhiều đồi của nó, và là một vùng khá im lặng cho đến khi cầu cảng Sydney (Sydney Harbour Bridge) được xây vào năm 1932, nối nó với phần còn lại của thành phố.

Khu vực Sydney đã được sinh sống bởi thổ dân Úc ít nhất là khoảng 30.000 năm, và vào thời điểm Đoàn tàu Thứ nhất cập bến vào năm 1788, 4000-8000 người đang sinh sống tại khu vực này. Có ba nhóm thổ dân với ngôn ngữ khác nhau tại khu vực Sydney; những ngôn ngữ này lại trở thành những thổ ngữ bởi các bộ lạc nhỏ hơn. Ngôn ngữ chính là Darug, (Cadigal, những thổ dân nguyên thủy của thành phố Sydney sử dụng thổ ngữ vùng biển Darug), Dharawal và Guringai. Mỗi bộ lạc có một lãnh địa riêng; vị trí của lãnh địa được xác định bởi các nguyên vật liệu có sẵn nơi đó. Mặc dù sự đô thị hóa đã tiêu diệt hầu hết các chứng cớ của các vùng dân cư đó, các bản khắc trên đá vẫn tồn tại ở một số nơi.

Người châu Âu để ý đến Úc từ khi Đô đốc James Cook nhìn thấy Vịnh Botany vào năm 1770. Dưới chỉ thị của chính quyền Anh, một khu di dân cho những người tội phạm được thiết lập bởi Arthur Phillip vào năm 1788. Phillip thành lập khu dân cư tại Sydney Cove trên cảng Jackson. Ông ta đặt tên nơi đó theo tên của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh, Lord Thomas Townshend của Sydney, để công nhận vai trò của Lord Sydney trong việc giúp cho Phillip có giấy phép thành lập khu thuộc địa. Vào tháng 4 năm 1789 một dịch bệnh, được nghĩ là đậu mùa, đã làm giảm dân số thổ dân ở Sydney; một ước tính khiêm tốn là vào khoảng 500 đến 1000 thổ dân chết do nhiễm bệnh trong khu vực Broken và Botany Bay.

Có một sự nổi dậy vũ trang chống lại dân Anh, bởi những chiến binh Pemulwuy trong khu vực xung quanh Vịnh Botany, và những trận đánh nhỏ xảy ra khá phổ biến ở khu vực quanh sông Hawkesbury. Đến 1820 chỉ còn lại vài trăm thổ dân và Thống đốc Macquarie đã bắt đầu những hoạt động "văn minh hóa và giáo dục" thổ dân bằng cách đuổi họ đi khỏi bộ lạc.

Nhiệm kì mà Macquarie là Thống đốc của bang New South Wales là giai đoạn mà Sydney được nâng cấp từ buổi ban đầu sơ khai. Đường sá, cầu cống, các bến phà và các tòa nhà chính phủ được xây dựng lên bởi những phạm nhân, và đến năm 1822 thành phố đã có ngân hàng, các chợ, các đường phố lớn và sở cảnh sát có tổ chức. Những năm của thập kỉ 1830 và thập kỉ 1840 là giai đoạn phát triển đô thị, bao gồm sự phát triển của các khu ngoại thành đầu tiên, vì thành phố phát triển nhanh chóng khi những đoàn tàu từ eo biển Anh bắt đầu đến với những di dân tìm cách bắt đầu một đời sống mới ở một đất nước mới. Những cuộc đổ xô đi tìm vàng đầu tiên bắt đầu vào 1851, và cảng Sydney từ đó đã chứng kiến nhiều làn sóng người nhập cư từ khắp các nơi trên thế giới. Sự phát triển của các khu ngoại thành bắt đầu phát triển vào phần tư cuối cùng của thế kỉ 19 với sự phát minh của các xe lửa và xe điện chạy bằng động cơ hơi nước. Với sự công nghiệp hoá, Sydney mở rộng một cách nhanh chóng, và vào đầu thế kỉ 20 thành phố đã có dân số trên 1 triệu người. Khủng hoảng lớn Great Depression đã tác động đến Sydney một cách tồi tệ. Tuy nhiên, một trong những điểm sáng của thời Khủng hoảng là sự hoàn thành của cầu cảng Sydney Sydney Harbour Bridge vào năm 1932.

Trong suốt thế kỉ 20 Sydney tiếp tục mở rộng với nhiều làn sóng di cư khác nhau từ châu Âu và sau đó là từ châu Á, kết quả là thành phố có một không khí quốc tế. Phần đông dân Sydney có nguồn gốc Anh hoặc là Ireland. Những người mới đến sau này bao gồm từ các nước Ý, Hy Lạp, Israel, Liban, Cộng hoà Nam Phi, Nam Á (Ấn Độ, Sri Lanka và Pakistan), Sudan, Thổ Nhĩ Kỳ, Macedonia, Croatia, Serbia, Nam Mỹ (Brasil, Chile, Argentina), Armenia, Đông Âu (Cộng hoà Séc,Ba Lan, Nga, Ukraina, Hungary) và Đông Á (bao gồm Trung Quốc, Triều Tiên và Việt Nam).

Sydney có khí hậu cận nhiệt đới với những mùa hè ấm áp và với mùa đông mát mẻ, với lượng mưa trải đều trong năm. Thời tiết ôn hòa bởi ở gần đại dương, và các nhiệt độ khắc nghiệt hơn được ghi lại ở các vùng ngoại ô phía tây sâu trong lục địa. Tháng ấm nhất là tháng giêng, với nhiệt độ không khí trung bình trên bờ biển là 18,6–25,8°C và trung bình có 14.6 ngày trong năm nhiệt độ bên trên 30 °C. Nhiệt độ cao nhất được ghi lại là 45,3 °C vào ngày 14 tháng 1 năm 1939 vào cuối của một làn sóng nhiệt 4 ngày trên toàn quốc. Mùa đông hơi mát, với nhiệt độ ít khi nào xuống thấp hơn 5 °C trong các khu vực ven biển. Tháng lạnh nhất là tháng 7, với trung bình xê xích 8,0–16,2 °C. Nhiệt độ thấp nhất được ghi lại là 2,1 °C.

Lượng mưa được chia khá đều giữa mùa hè và mùa đông, nhưng cao hơn một ít trong suốt nửa đầu của năm, khi gió phía tây thổi nhiều. Lượng mưa trung bình hàng năm, điều hòa ít biến động, là 1217.0 mm, rơi trên trung bình là 138,0 ngày trong 1 năm. Tuyết rơi lần cuối cùng ở khu vực thành phố Sydney là vào thập niên 1830.

Mặc dù thành phố không chịu bão nhiệt đới hay các trận động đất lớn, hiệu ứng El Niño đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định khuôn mẫu thời tiết của Sydney: hạn hán và cháy rừng một mùa, và mưa bão và lụt lội mùa còn lại, liên hệ với các pha trái ngược nhau của sự dao động. Rất nhiều khu vực của thành phố giáp với các khu rừng bụi rậm đã bị ảnh hưởng bởi cháy rừng, đáng kể nhất là trong năm 1994 và 2002 – những lần này thường xảy ra vào mùa xuân hay mùa hè. Thành phố cũng thường bị mưa đá và bão lớn. Một cơn bão như vậy xảy ra ở các vùng ngoại vi phía đông Sydney vào buổi tối 14 tháng 4 năm 1999, tạo ra các hạt mưa đá lớn với các hạt đường kính ít nhất 9 cm và kết quả là bảo hiểm tốn khoảng $1,5 tỉ trong dưới 1 giờ.

Khu vực rộng lớn bao phủ bởi nội thành Sydney chính thức được chia ra thành hơn 300 khu vực (cho mục đích địa chỉ và bưu điện), và được quản lý như là 38 khu vực hành chính địa phương (thêm vào nhiều trách nhiệm của Bang New South Wales và các sở). Bản thân Thành phố Sydney bao phủ một khu vực khá nhỏ bao gồm khu thương mại trung tâm và các khu vực trong thành phố. Thêm vào đó, có một số miêu tả từng vùng được sử dụng không chính thức để chỉ một phần lớn của khu đô thị. Tuy nhiên phải để ý rằng có nhiều khu vực không được bao phủ bởi cách chia vùng không chính thức bên dưới đây. Những vùng này là: Eastern Suburbs, Hills District, Inner West, Lower North Shore, Northern Beaches, North Shore, Southern Sydney, South-eastern Sydney, South-western Sydney, Sutherland Shire và Western Sydney.

Khu thương mại trung tâm Sydney (Sydney CBD) mở rộng về phía nam vào khoảng 2 kilômét (1.25 mi) từ Sydney Cove, địa điểm cư trú đầu tiên của di dân châu Âu. Các tòa nhà cao ốc tập trung dày đặc và các tòa nhà khác bao gồm những tòa nhà lịch sử như Sydney Town Hall và Queen Victoria Building được xen kẽ bởi các công viên như Wynyard và Hyde Park. Khu Sydney CBD được bao bọc phía đông bởi một dãy các công viên kéo dài từ Hyde Park cho đến the Domain và Royal Botanic Gardens đến Farm Cove trên vịnh biển. Phía tây được bao bởi Darling Harbour, một nơi thu hút nhiều khách du lịch và các hộp đêm trong khi Nhà ga trung tâm đánh dấu đầu cuối phía nam của CBD. George Street được xem là đường chính chạy dọc bắc-nam của khu Sydney CBD.

Mặc dù CBD chiếm hầu hết thương mại và đời sống văn hóa của thành phố trong các năm về trước, các khu thương mại/văn hóa khác đã phát triển theo theo kiểu nở rộng ra từ Thế chiến thứ hai. Kết quả là, tỷ lệ các công việc cổ trắng nằm ở khu CBD đã giảm từ 60% vào cuối Thế chiến thứ hai đến dưới 30% in 2004. Cùng với khu thương mại ở North Sydney, liên kết với CBD bởi Harbour Bridge, khu thương mại lớn nhất ở bên ngoài là Parramatta ở vùng trung-tây, Blacktown phía tây, Bondi Junction phía đông, Liverpool ở tây nam, Chatswood về phía bắc và Hurstville về phía nam.

Sydney là một trung tâm tài chính và thương mại lớn nhất ở Úc và cũng là một trung tâm tài chính quan trọng ở vùng châu Á Thái Bình Dương. Thị trường chứng khoán Úc và Ngân hàng trung ương Úc tọa lạc ở Sydney, cũng như là tổng hành dinh của 90 ngân hàng và trên phân nửa các công ty hàng đầu của Úc, và các trụ sở trong khu vực của khoảng 500 công ty đa quốc gia. 20th Century Fox cũng có những phim trường lớn ở Sydney.

Sydney là nơi tọa lạc của một số trường đại học nổi tiếng nhất của nước Úc, và là nơi của trường đại học đầu tiên trên nước Úc, Đại học Sydney, thiết lập vào năm 1850. Có năm trường đại học công khác hoạt động chủ yếu ở Sydney: Đại học New South Wales, Đại học Macquarie, Đại học Kỹ thuật Sydney, Đại học Tây Sydney và Đại học Catholic Úc (2 trong số 6 campus). Các đại học khác có campus thứ hai ở Sydney bao gồm Đại học Notre Dame Úc và Đại học Wollongong.

Có 4 trường dạy nghề (Technical and Further Education - TAFE) đa campus được nhà nước tài trợ ở Sydney cung cấp việc đào tạo nghề nghiệp ở bậc cao đẳng: Viện kỹ thuật Sydney, Học viện TAFE Bắc Sydney, Học viện TAFE Tây Sydney và Học viện TAFE Tây Nam Sydney.

 

Xem 6404 lần