Thị thực du học Mỹ
14
01

Đơn xin thị thực du học bị từ chối

Đánh giá bài này
(0 bình chọn)

Ngay sau khi buổi phỏng vấn kết thúc, nếu đương đơn không được cấp thị thực thì viên chức lãnh sự Mỹ luôn cung cấp thư từ chối bằng song ngữ Anh - Việt trình bày trên 2 mặt của 1 tờ giấy khổ A4, nội dung thư ghi rõ lý do từ chối cấp thị thực chiếu theo các điều khoản của Bộ Luật Di Trú và Nhập Tịch Hoa Kỳ (INA) như sau:

Điều khoản 214(b) - Visa Qualifications and Immigrant Intent
"Từ chối tạm thời vì đương đơn chưa hội đủ điều kiện được cấp thị thực không định cư" Điều khoản 214(b) của Bộ Luật Di Trú và Nhập Tịch Hoa Kỳ (INA) thường được áp dụng cho đương đơn xin các loại thị thực không định cư. Trong mọi cuộc phỏng vấn xét thị thực không di định cư, viên chức phỏng vấn phải áp dụng điều khoản 214(b) của Bộ Luật Di Trú và Nhập Tịch Hoa Kỳ (INA) để quyết định xem đương đơn có đủ điều kiện được cấp thị thực hay không. Một phần điều khoản này nêu rằng: “Mỗi đương đơn đều được xem như có ý định định cư cho đến khi đương đơn, vào thời điểm xin cấp thị thực, thuyết phục được viên chức lãnh sự rằng đương đơn hội đủ điều kiện được cấp thị thực không định cư”. Điều đó có nghĩa là viên chức Lãnh Sự xem xét trường hợp của đương đơn dựa trên tinh thần của điều luật, luôn cho rằng đương đơn có ý định định cư tại Hoa Kỳ cho đến khi đương đơn chứng minh được điều ngược lại. Cần nhấn mạnh rằng bản thân đương đơn phải có trách nhiệm chứng minh đương đơn hội đủ tiêu chuẩn để được cấp thị thực. Đương đơn xin thị thực phải thuyết phục được viên chức Lãnh Sự những điều sau:

  • Đương đơn phải sử dụng loại thị thực được cấp đúng mục đích và hợp pháp.
  • Đương đơn có đủ khả năng tài chính để chi trả cho chuyến đi của mình mà không tìm việc làm bất hợp pháp trong thời gian ở Hoa Kỳ.
  • Đương đơn có "các mối ràng buộc chặt chẽ" với quê hương và sẽ rời khỏi Hoa Kỳ sau thời gian lưu trú tạm thời.

Đương đơn có thể đưa ra những chứng cứ dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng khi tổng hợp lại, những chứng cứ này phải đủ để viên chức phỏng vấn đánh giá được hoàn cảnh chung của đương đơn và tin rằng những mối ràng buộc về xã hội, gia đình, kinh tế và các ràng buộc khác của đương đơn tại Việt Nam là lý do buộc đương đơn phải rời khỏi Hoa Kỳ sau khi kết thúc thời gian lưu trú tạm thời. “Những mối ràng buộc chặt chẽ” là các khía cạnh cuộc sống của đương đơn ràng buộc đương đơn với nơi mình cư trú, bao gồm các mối quan hệ gia đình, công việc và tài sản.

Trong trường hợp những đương đơn nhỏ tuổi chưa thể thiết lập được những ràng buộc nói trên, viên chức phỏng vấn sẽ xem xét trình độ học vấn, điểm số học tập, nghề nghiệp của cha mẹ, những kế hoạch dài hạn cũng như triển vọng của đương đơn ở Việt Nam. Vì mỗi đương đơn mỗi hoàn cảnh khác nhau, do đó sẽ không có bất kỳ câu trả lời mẫu nào chứng minh được những ràng buộc này. Mỗi đương đơn nên chuẩn bị để trình bày trường hợp của mình thật rõ ràng và súc tích.

Đương đơn có thể yêu cầu buổi phỏng vấn được thực hiện bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh. Những ràng buộc cụ thể có đủ thuyết phục để được cấp thị thực hay không khác nhau tuỳ thuộc vào từng quốc gia, vào từng nền văn hoá, và tuỳ từng cá nhân. Tất cả các viên chức Lãnh Sự đều có kiến thức về tình hình địa phương và luật di trú Hoa Kỳ để giúp họ đưa ra quyết định này.

Điều khoản 214(b) không phải là 1 lệnh cấm vĩnh viễn. Nếu đương đơn đã bị từ chối cấp thị thực trước đây nhưng hiện tại đương đơn có thêm các thông tin mới, hoặc nếu hoàn cảnh chung của đương đơn đã thay đổi đáng kể, hoặc có các hồ sơ quan trọng chưa được xem xét trong lần phỏng vấn trước, thì đương đơn có thể nộp đơn xin phỏng vấn lại để được xử lý bởi một viên chức Lãnh Sự khác. Khi bị từ chối cấp thị thực, đương đơn không thể khiếu nại về quyết định của viên chức Lãnh Sự, nộp đơn tái phỏng vấn là cách duy nhất để hồ sơ của đương đơn được xem xét lại.

Một quan niệm sai lầm phổ biến về điều khoản 214(b) khi cho rằng chỉ cần bổ sung thêm hồ sơ là có thể hội đủ điều kiện được cấp thị thực. Tuy nhiên, quyết định về thị thực không đơn thuần chỉ dựa trên giấy tờ. Đúng hơn, viên chức lãnh sự luôn xem xét toàn bộ hoàn cảnh chung của đương đơn để quyết định xem trường hợp của đương đơn có nằm ngoài giả định của luật pháp Hoa Kỳ khi cho rằng đương đơn có ý định định cư hay không. Các giấy tờ cần thiết có thể giúp viên chức Lãnh Sự có những quyết định đúng đắn, tuy nhiên, không một giấy tờ riêng lẻ hay một thông tin đơn thuần nào bảo đảm việc được cấp thị thực.

Điều khoản 221(g) - Incomplete Application or Supporting Documentation
"Từ chối tạm thời cho đến khi đương đơn bổ sung đầy đủ thông tin hoặc hồ sơ cần thiết để được xét cấp thị thực" Khác với trường hợp thị thực bị từ chối theo điều khoản 214(b), nếu bạn bị từ chối theo điều 221(g) có nghĩa là viên chức lãnh sự không có đủ các thông tin hoặc hồ sơ cần thiết để xét cấp visa tại thời điểm bạn nộp đơn xin thị thực. Việc xét duyệt hồ sơ của bạn đang trong trạng thái chờ hành động kế tiếp với một trong hai lý do sau đây:

  • Đơn xin visa của bạn chưa hoàn tất hoặc thiếu các tài liệu cần thiết: Bạn sẽ nhận được một lá thư nói đơn xin visa của bạn đã bị từ chối theo điều 221(g) và danh sách tài liệu mà bạn cần phải cung cấp và làm thế nào để cung cấp cho các đại sứ quán hoặc lãnh sự quán.
  • Xử lý hành chính: Công tác xử lý hành chính về đơn xin visa của bạn là cần thiết để xem xét bạn có hội đủ điều kiện được cấp thị thực hay không. Bạn sẽ nhận được một lá thư nói rõ điều này và hướng dẫn bạn các bước kế tiếp. Thông thường thời gian xử lý hành chính có thể kéo dài đến 60 ngày.

Hầu hết các trường hợp bị từ chối theo điều khoản 212(g) chỉ cần thực hiện đúng các hướng dẫn trong thư từ chối để được xét cấp thị thực và không cần phải đóng lại phí phỏng vấn hoặc tham dự buổi phỏng vấn trực tiếp với viên chức lãnh sự. Các đương đơn sẽ có 12 tháng để gửi các giấy tờ được yêu cầu kể từ ngày nộp đơn mà không phải trả phí xét đơn xin visa mới. Sau 12 tháng, tình trạng bị từ chối theo điều khoản 221(g) sẽ hết hạn theo quy định của điều khoản 203(e) và khi đó đương đơn phải thực hiện hồ sơ xin thị thực lại từ đầu.

Điều khoản 214(a)(4) - Public Charge
"Từ chối tạm thời vì lý do đương đơn có thể là gánh nặng đối với ngân sách công của Hoa Kỳ" Đương đơn xin thị thực phải chứng minh đủ nguồn hỗ trợ tài chính trong thời gian dự định lưu trú tại Hoa Kỳ. Việc từ chối thị thực vì lý do "Gánh nặng đối với ngân sách công của Hoa Kỳ" thường ít xảy ra đối với các đơn xin thị thực không định cư, nhưng vẫn có thể xảy ra.

Điều khoản 214(a)(4) không phải là 1 lệnh cấm vĩnh viễn. Để vượt qua sự từ chối thị thực vì lý do "Gánh nặng đối với ngân sách công của Hoa Kỳ", đương đơn phải chứng minh rằng họ sẽ có đủ nguồn hỗ trợ tài chính trong thời gian họ dự định lưu trú tại Hoa Kỳ. Viên chức lãnh sự sẽ xem xét các bằng chứng bổ sung mà đương đơn nộp để xác định xem những bằng chứng đó có đủ để khắc phục tình trạng bị từ chối theo điều 214(a)(4) hay không.

Điều khoản 212(a)(9)(B)(i) - Unlawful Presence in the United States
"Hình phạt từ chối cấp thị thực trong 1 thời gian do đương đơn đã từng cư trú bất hợp pháp ở Hoa Kỳ"Điều khoản từ chối cấp thị thực 212(a)(9)(B)(i) áp dụng hình phạt có thời hạn cho các đương đơn bị cho là đã cư trú bất hợp pháp tại Hoa Kỳ, hoặc đã ở lại Hoa Kỳ sau ngày hết hạn của thời gian được phép lưu trú. Khi bị từ chối cấp thị thực theo điều luật này, đương đơn không đủ điều kiện được cấp thị thực tùy theo khoảng thời gian đã cư trú bất hợp pháp như sau:

  • Cư trú bất hợp pháp tại Hoa Kỳ hơn 180 ngày nhưng dưới 1 năm: Không được cấp thị thực trong 3 năm kể từ ngày rời khỏi Hoa Kỳ.
  • Cư trú bất hợp pháp tại Hoa Kỳ hơn 1 năm: Không được cấp thị thực trong 10 năm kể từ ngày rời khỏi Hoa Kỳ.

Bạn sẽ được tư vấn bởi các viên chức lãnh sự nếu bạn ở trong trường hợp có thể nộp đơn xin miễn trừ tình trạng không đủ điều kiện cấp thị thực này.

Điều khoản 212(a)(6)(C)(i) - Fraud and Misrepresentation
"Từ chối cấp thị thực vĩnh viễn vì hồ sơ giả mạo hoặc cung cấp thông tin không đúng sự thật"

Điều khoản từ chối cấp thị thực 212(a)(6)(C)(i) của Bộ Di Trú và Nhập tịch áp dụng hình phạt nghiêm trọng đối với các đương đơn xin thị thực cố tình nộp bằng chứng giả mạo hoặc cung cấp thông tin sai lệch cho chính phủ Hoa Kỳ liên quan đến luật Nhập Tịch. Nếu đơn xin thị thực của đương đơn đã bị từ chối theo điều khoản 212(a)(6)(C)(i) vì lý do cung cấp thông tin sai lệch hoặc giấy tờ giả mạo cho viên chức Lãnh sự trong cuộc phỏng vấn, thì đương đơn sẽ VĨNH VIỄN không hội đủ điều kiện để nhập cảnh Hoa Kỳ.

Xin hiểu rằng điều này có nghĩa rằng, không những hồ sơ hiện tại của đương đơn sẽ bị từ chối, mà tất cả các đơn xin thị thực trong tương lai của đương đơn cũng sẽ bị từ chối, bất kể mục đích đến Hoa Kỳ của đương đơn, vị trí của đương đơn trong cộng đồng doanh nghiệp, nhà nước hay tuổi tác của đương đơn tại thời điểm nộp đơn xin thị thực sau này. Việc cung cấp thông tin sai lệch hoặc giấy tờ giả mạo trong buổi phỏng vấn xin thị thực là một hành vi phạm tội nghiêm trọng và sẽ tác động lâu dài đến cơ hội kinh doanh, học tập hoặc du lịch thăm viếng bạn bè thân nhân của đương đơn tại Hoa Kỳ trong tương lai. Xin vui lòng hết sức thận trọng vấn đề này khi chuẩn bị đơn xin thị thực.

Nếu quý vị từng bị từ chối cấp thị thực theo điều khoản 212(a)(6)(C)(i), trong một số trường hợp đặc biệt, Công ty tư vấn du học Thế Hệ Mới có thể giúp quý vị nộp đơn xin miễn trừ trường hợp này, tuy nhiên mỗi đương đơn đều có hoàn cảnh khác nhau nên chúng tôi chỉ có thể tư vấn dịch vụ đặc biệt này trực tiếp với quý vị theo lịch hẹn trước.

 

Công ty Thế Hệ Mới chuyên làm visa du học, du lịch, định cư từ năm 2004.

  • TP. Hồ Chí Minh: 5 Lam Sơn, P.5, Quận Phú Nhuận. ĐT: (028) 38480099
  • TP. Đà Nẵng: 166 Nguyễn Văn Linh, P.Vĩnh Trung, Quận Thanh Khê. ĐT: (0236) 3583468
  • Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
  • Website: www.thm.vn
  • Hotline: 084-CTY-VISA
  • Facebook: www.facebook.com/thm.vn

 

Xem 5137 lần

 

Đối tác tiêu biểu

Trải qua gần 20 năm hoạt động, công ty tư vấn du học Thế Hệ Mới tự hào là đại diện tuyển sinh chính thức tại Việt Nam của hàng trăm trường và tổ chức giáo dục uy tín ở Mỹ, Canada, Úc, Singapore.