Tin mới
11
06

Những chiêu lừa đảo nhắm đến du học sinh

Post in Tin mới
  by
Đánh giá bài này
(0 bình chọn)

Những trò lừa đảo nhắm đến đối tượng du học sinh ngày càng "quái" với đủ các thể loại biến tướng khác nhau. Cho dù một số trò lừa đã được cảnh tỉnh trên báo chí, các trang web và mạng xã hội… nhưng nhiều em du học sinh do không chú ý nên vẫn “dính bẫy” như thường, có em du học sinh Mỹ đã bị lừa hàng nghìn USD trong vòng chỉ vài chục phút. Công ty tư vấn du học uy tín Thế Hệ Mới điểm qua những chiêu lừa đã khuấy đảo cộng đồng du học sinh Việt trong thời gian gần đây để các em đề cao cảnh giác.

 

Trường hợp thứ nhất: Gọi điện thoại mạo danh nhân viên sở thuế IRS

Nguồn thông tin: Chia sẻ của bạn Kyle Doan ở bang Washington.

 

Hello mọi người, hôm qua mình bị lừa mất gần $4,000 vì một người đàn bà giả dạng cảnh sát gọi điện cho mình. Mình biết là cách xử lý vấn đề rất là ngu và non, nên mình lên đây thứ nhất là để chia sẻ cho mọi người tránh, thứ 2 là giúp mình tìm cách giải quyết. Chuyện là thế này, chiều hôm qua thứ 4 mình đang đi trên đường thì có một cuộc điện thoại gọi cho mình, điện thoại mình là Android nên nó có tính năng kiểm tra xem là ai gọi tới. Máy báo là từ "Seattle Police Department East Precinct" và số máy là 206-684-4300.

Nó hỏi tên mình và đang làm gì để nó muốn thực hiện môt cuộc điều tra và sẽ chuyển máy mình tới sếp của nó. Mình kiếm chỗ tấp vào lề rồi nghe máy. Sau khi chào hỏi mình nó kể lể rất dài như là nó là người từ IRS (Sở thuế vụ) và báo cho mình biết là mình khai thuế thu nhập sai và mình chưa đóng số thuế đó chưa chính phủ. Bà đó yêu cầu mình phải làm liền vì hôm nay là hạn chót, mình có hỏi tại sao phải chờ đến hạn chót mới gọi, bả nói là vì phải kiểm tra thông tin của mình và có quá nhiều sinh viên khác đều làm có sai sót trong việc khai thuế như mình. Nếu như không đóng tiền liền bây giờ sẽ bị khép vào tội "Ăn cắp tiền của chính phủ" (hay đoại loại vậy) và sẽ bắt giam mình trong 7 tháng, lưu vào lịch sử tội phạm (hay đại loại gì gì đó) và vì những lý do đó, mình sẽ không được cấp bất cứ bằng cấp nào mình đang học.

Mình thật ra không làm cái này vì toàn nhờ bố mẹ làm dùm nên không rõ. Nó còn đe doạ không nên ngắt máy với nó bây giờ vì nó đang gọi trên "golden line" (chẳng hiểu là gì) nếu như cúp máy thì máy tính của nó sẽ đưa tên mình vào sổ đen vì không chịu hợp tác. Thế là mình tin lấy tin để nghe lời nó không dám cúp máy để gọi cho người thân. Tức là lúc đó ở một mình nên không thể nhờ vả ai chung quanh để gọi điện về tìm hiểu xem sao. Thế là mình bị nó bắt đi mua cái itunes gift card rồi đọc mã số cào qua cho nó. Mình rất là nghi ngờ nhưng vì nỗi sợ bị khép tội nó lấn áp nên không thể tỉnh táo mà dừng cuộc gọi điện.

Nó đòi mình 2 lần, một lần sai khai báo năm ngoái và năm trước đó nữa với lí do pending nên không thể cancel sau khi trả xong năm trước. Mặc dù mình đã hết tiền trong tài khoản, nó bắt phải dùng thêm credit card để trả. Tóm lại là mình đã bị lừa tổng cộng $3,850(lần đầu $1,850 sau đó là $2,000). Sau đó mình gọi về hỏi thăm bố mẹ thì biết cái vụ này chắc chắn là lừa đảo. Bố mẹ mình kêu báo cho ngân hàng và cảnh sát liền.

- Ngân hàng phản ứng: Không thể giúp gì vì mình đã xác thực mua những món hàng đó (Mình đã xuất trình giấy tờ với bấm mã pin để thực hiện thanh toán), khuyên mình báo cảnh sát.

- Cảnh sát phản ứng: Khuyên mình nên chia sẻ chuyện này với mọi người để đề phòng và nói cho mình biết là cảnh sát không có quyền bắt người vào tù nếu không quyết định của toà án. Không thể truy ra ai gọi cho mình và cũng không có cách nào lấy tiền về cho mình (giờ để ý số cảnh sát gọi thì nó không hiện số lên trên phone, biết quá trễ)

- Mình phản ứng: Chạy ra Apple store để hỏi xem có cách nào truy ra máy vạch số cào này trên dữ liệu của họ đc không? Họ từ chối nếu không có yêu cầu từ cảnh sát.

Bài học kinh nghiệm qua trường hợp này là sở thuế hay cảnh sát không bao giờ gọi điện thoại cho bạn yêu cầu nạp thẻ Itunes để đóng phạt cho một vấn đề nào đó, họ lại càng không bao giờ yêu cầu bạn không được cúp máy.

 

Trường hợp thứ hai: Lừa đảo bằng Certified Check (Séc đảm bảo)

Nguồn thông tin: Chia sẻ của bạn Lâm Vị Quân ở bang Texas.

 

Không phải cứ "certified" là tin được nhé. Nói chung là xém nữa bị lừa các bạn ạ. Cũng may tuy ngu nhưng tính paranoid nổi tiếng nên thoát. Thế nên mình viết bài tường thuật lại để bạn bè mình sau này không ai bị ngu giống mình.

Mình sắp don nhà đi nên rao cho thuê phòng trên Craigslist. Có một bạn, tạm gọi là A, liên lạc qua email, viết thư rõ dài và tha thiết. Bạn ấy nói rằng muốn thuê phòng mình nhưng bị cái đang ở Alaska làm nghiên cứu nên không thể đến xem giao tiền trực tiếp. Mình cũng từng ở trong hoàn cảnh phải thuê nhà lúc đang ở xa nên ok, không vấn đề gì.

Sau đó bạn ấy bảo sẽ gởi check cho mình trước khi dọn vào. Mình thì ngu ngu ít xài Craigslist nên không để ý nó luôn khuyến cáo đừng nhận check. Với cả bạn A bảo check này là certified check, thế nên mình cũng yên tâm.

Khúc này rẽ ngang 1 tí cắt nghĩa cho các bạn chưa rõ. Ở Mỹ (chỗ khác mình không biết, không dám nói) có nhiều loại check. Personal check là check cá nhân, ai dùng check này gởi cho bạn mà trong tài khoản họ không còn tiền thì bạn cũng chả nhận được xu nào. Certified check là check đã được ngân hàng xác nhận, khả năng an toàn cao, v.v. Khi người gởi đến làm certified check, ngân hàng sẽ rút chính xác khoản tiền cần gởi, đảm bảo người gởi không tiêu xài thâm hụt gì vào khoản này và người nhận sẽ nhận đầy đủ.

Certified Check giả

Ảnh: Thông thường certified check nhìn sẽ giống như thế này.

Kể từ khúc này mình bắt đầu thấy có mùi fishy. Bạn A này bảo bố bạn ấy sẽ gởi check (ơ mày lớn rồi sao không tự gởi?), gởi cho mình số tiền là $3,500 (sao lắm tiền thế? Nhà có bao nhiêu lắm đâu), nhờ mình rút ra $1,600 trong số ấy gởi cho dealer chuyển xe của bạn ấy từ Alaska xuống Texas (what the hell? Sao mày không tự trả?)

Nhưng mình – vì lòng tốt bao la quảng đại, đùa thôi chứ mình cũng chuyển nhà chuyển cửa nhiều nên có tí thông cảm, nghĩ rằng họ có khó khăn này kia – vẫn đồng ý nhận giúp. Trong lòng vẫn thấy ngại ngại vì bạn này viết email rõ dài, luôn nhắn tin hối thúc. Nhưng lại tự nhủ thôi lúc mình cần tìm nhà mình cũng nóng lòng.

Hôm nay tờ check được gửi đến. Lúc ấy mình cũng đang bận làm việc nên không để ý kỹ. Bạn ấy nhắn tin bảo mình deposit tờ check đi, rồi chuyển tiền cho dealer bằng Moneygram. Mình bảo ok, tao sẽ chuyển online nhé, vừa tiện vừa rẻ. Bạn ấy bảo không, mày chuyển in person cho tao.

Thế chuyển online và chuyển trực tiếp khác nhau thế nào? Chuyển online thì Moneygram vẫn có khả năng quản lý số tiền đó, có thể rút lại nếu mình thông báo lên, “Ê, tao thấy kỳ kỳ. Tao gởi nhầm rồi. Rút lại tiền cho tao nha.” Còn nếu chuyển in-person thì tức là mình gởi cash đi và receiver nhận cash ngay. Nhận xong là thôi luôn, Moneygram không can thiệp được nữa.

Cơ mà lúc đó mình vẫn không để ý các bạn ạ. Đang bận làm việc, lại can tội ngu. Mình mang tờ check ra Bank of America nhờ deposit. Bạn teller deposit không được, bảo rằng tao không cash-in được mày ơi, mày đợi cho 1 thời gian nhé. Ừ thì ok, chắc check từ ngân hàng khác nên ko vào ngay được. Mình hồn nhiên thế đấy, nhưng mà, ơn giờ, ông bà phù hộ thế nào đó mình cắc cớ hỏi 1 câu, “Ê mày ơi, check này mày coi giùm tao có legit không?”

Mình thề là lúc ấy mình vẫn chẳng biết gì đâu, chỉ hỏi đơn giản kiểu “Mày coi thử lỡ thằng chủ tài khoản hết tiền thì tao có nhận được không?” Ai ngờ bạn teller dễ thương nói, “Ủa mày không biết đứa nào gởi tiền cho mày hả? Tao nói nè, mày mà deposit check giả á, là tài khoản này sẽ bị khóa, rồi mày không bao giờ được mở cái tài khoản nào ở đây luôn nhá.”

Mình kiểu hết hồn, what the hell, certified check cũng có giả hả? Hỏi lại bạn teller lần nữa. Bạn ấy nhẹ nhàng trả lời:

“Ừ thì tao ko biết đâu, tao ko có verify được. Nhưng mà tao thấy là tao không deposit vô được nè. Mày phải gọi điện hỏi cái ngân hàng issue tờ check này nhé. Rồi giờ mày muốn sao, có deposit không?”

Nói thế thì bố con đứa nào dám deposit nữa. Cun cút cầm tờ check ra về. Cảm ơn bạn teller.

Đến lúc ấy mình vẫn nghĩ thôi cẩn thận, lại đổ oan cho người vô tội. Ngồi ngay trong xe hơi đậu trước ngân hàng, mình Google rồi săm soi tờ check. Tên người gởi của UPS là David Schaffer ở Virginia, tên người ở trên tờ check lại là Comfort Revolution LLC ở New Jersey, mà ngân hàng thì là Apollo Bank ở Florida. Comfort LLC thì bán chăn drap gối nệm, còn Apollo là kiểu ngân hàng địa phương chả ai biết nó là cái gì. Tờ check có chữ ký mà không có printed name của người gởi. Không có logo ngân hàng. Font chữ lỗi lung tung, không cùng format, dùng các loại font khác nhau. Damn, nói chung là fishy hết chỗ nói.

Google một lúc mình mới hiểu rõ cách thức lừa đảo này: đại khái các bạn lừa đảo làm giả 1 tờ certified check rồi nhờ vả người nhận quá trời thứ (gởi tiền cho dealer chẳng hạn). Mình deposit tờ check giả, gởi tiền cho “dealer”, thế là xong. Ngân hàng chỉ túm đầu đứa deposit tờ check giả chứ có biết tụi gởi là thằng nào con nào. Còn bạn “dealer” cầm tiền biến luôn.

Thôi nói chung mình ngu quen rồi nên cũng không cần giấu, viết lên đây cảnh báo nhỡ bạn nào chưa biết. Sau đây là 4 bài học rút ra được:

- Dù là certified check cũng không nên tin. Cứ mang ra check service nào đó nhờ nó verify giùm. Nếu ok thì rút tiền mặt, rồi đem tiền mặt đó deposit vào bank account. Đừng có deposit thằng vào bank account nhỡ có gì thì profile của bạn xong luôn, tài khoản thì bị khoá.

- Giao dịch trên Craigslist thì chỉ có cash hoặc chuyển khoản trực tiếp, không có check hay money order gì ráo. Nếu cash thì nhớ mua cây bút thử tiền. Hoặc tốt nhất là hẹn gặp nhau ngoài ngân hàng, vừa có camera vừa có ATM. Cầm tiền xong dắt tay bạn kia đi deposit ngay và luôn. Tiền vào được tài khoản thì hẳn giao hàng. Mất tí công ra ngân hàng gần nhà còn hơn mất mấy ngàn đô.

- Luôn luôn HỎI, cái gì tưởng biết rồi cũng phải hỏi. Google xong cũng phải túm được đứa nào làm trực tiếp mà hỏi. Các bạn chưa rành tiếng Anh hay ngại. Nhưng mà nói chung mình là khách hàng, mình nói tiếng Anh dở thì tụi nó ráng mà nghe, mà giải thích, chứ đừng sợ làm phiền ai hết. Cái này cứu mình bao nhiêu lần ở Mỹ rồi đó :">

- Check lớn hoặc không rõ nguồn gốc thì nên mang vào cho teller hoặc đại diện, đừng dùng ATM để deposit.

 

Trường hợp thứ ba: Một hình thức khác của lừa đảo bằng Certified Check (séc đảm bảo)

Nguồn thông tin: Chia sẻ của bạn Leo Nguyen ở California.

 

Hồi trước, có người contact mình bằng email hỏi có muốn kiếm thêm tiền bằng cách Wrap car không? Wrap car là người ta sẽ lại dán quảng cáo lên xe của mình, rồi mình chỉ việc chạy đi học chạy đi làm bình thường, rồi mỗi tháng được trả $400-$500 tiền quảng cáo. Mình cũng biết mấy cái vụ này là có thiệt nên đồng ý. Xong thằng đó hỏi mình tên tuổi địa chỉ nhà, không hỏi số an sinh xã hội gì hết. Nó nói sẽ gửi một cái check đến để mình set up.

Mấy ngày sau nhận được nguyên cái certified check đến nhà gửi bằng UPS, nhìn y như thiệt của ngân hàng US Bank. Trên cái check để trị giá $2,000. Nó nói là $800 là tiền của mình trả trước 2 tháng, còn lại $1,200 là tiền wrap xe. Sẽ có một đứa đến để wrap xe mình nên mình deposit tiền vô rồi rút ra $1,200 để đưa cho cái thằng wrap xe. Mình ở Mỹ lâu rồi kinh nghiệm đầy mình. Mình đem cái check ra thẳng US Bank, hỏi thẳng teller kiểm tra dùm cái check coi có thật không? Thằng bank teller check xong nói cái check là thiệt.

Tới lúc này mình thấy bán tín bán nghi, xong rồi cầm vô Bank of America của mình deposit vô. Nói nói là một phần tiền là có sẵn, còn lại phải đợi 3 ngày để kiểm tra bên kia có tiền không. Sau đó có cái thằng khác nhắn tin mình hỏi là có nhận được check chưa. Mà tụi nó khéo léo lắm, chẳng hối thúc hay hỏi gì hết, nói là có người liên lạc mình sau. Rồi có đứa nhắn tin nói sẽ lại dán xe, chuẩn bị tiền sẵn đi để đưa nó. Mình nhắn lại nói tao phải đợi khi tiền vào trong bank tao đã rồi mới đưa được. Thằng này lúc này hỏi mình nói là cuối tuần nay nó bận, phải đến liền để ngày mai nó đi xa... Lúc đầu mình mới nghi nghi, vẫn cứng, nói là ko chịu đưa tiền, mày muốn thì tuần sau lại lấy.

Rồi một thằng khác email thúc giục là phải dán xe hôm nay ko là huỷ hợp đồng. Xong mình tức quá nói tao ko làm nữa, rồi tự nhiên tụi nó im luôn. 3 ngày sau tiền vô nhà bank, nhưng mà ngày hôm sau tiền chạy ngược trở ra, mà mình bị mất $25 tiền phạt. Nhiều khi tụi nó làm cái check giả cực kì giống của mấy chủ tài khoản khác có thiệt, nhưng người ta phát hiện hủy check, nhà bank lấy tiền lại. Bởi vậy các bạn nên để ý, tất cả nên xài tiền mặt hoặc thanh toán qua Paypal là an toàn nhất.

 

Trường hợp thứ tư: Lừa đảo bằng email mạo danh Paypal

Nguồn thông tin: Chia sẻ của bạn Tri Huynh ở California.

 

Em đây cũng mém bị lừa một lần. Cách đây 4 tháng em đăng lên Craiglist bán 1 cái laptop. Sau đó, có 1 người email em nói là sẽ mua laptop và chuyển khoản bằng Paypal. Vì người ta nói là đang trong quân đội nên không ra ngoài được để kiểm tra laptop nhưng sẵn sàng mua. Sau đó em nhận được email có địa chỉ giống như gửi từ Paypal về khoản tiền và thông báo nếu người mua nhận được món hàng thì tiền sẽ vào ngay tài khoản. Mà lúc đầu nhìn email ấy rất professional nên tưởng thật. Sau đó em lật đật đem ra UPS ship cho người ta. Đem ship rồi thì trong lòng cảm thấy nghi nghi, bèn gọi điện lên paypal kiểm tra. Sự thật là lừa đảo, em liền chạy ra UPS và may mắn là laptop em vẫn còn đó.

 

Xem 4629 lần