Ở Mỹ có rất nhiều gia đình không gửi con đi học ở trường mà tự dạy con tại nhà. Trẻ em Mỹ "không cần" trường, "Không cần" được hiểu theo nghĩa đen, không phải một cách nói ví von hoa mỹ về một thực tế khác cũng ngược đời nếu so với giáo dục Việt Nam: Nhà trường chỉ là một thành phần, cho dù là một thành phần quan trọng, trong một phức hợp xã hội có nhiệm vụ giáo dục những công dân Mỹ tương lai.
Nhà trường không và cũng không thể thay thế được gia đình, cộng đồng sinh hoạt, các đoàn thể, các tổ chức tôn giáo, văn học nghệ thuật, viện bảo tàng, lễ hội, các phương tiện thông tin đại chúng, các hoạt động thể thao... "Không cần" ở đây có nghĩa là trẻ em Mỹ có thể học ở nhà, theo chế độ Homeschooling (học tại nhà).
Chế độ "Học tại nhà" (Home schooling) cho phép cha mẹ tự giáo dục con cái thay vì cho chúng đến trường mà không yêu cầu phải có chứng chỉ gì đặc biệt. Nhiều người Mỹ cho rằng đó là cách để trẻ em có thể phát huy tính tự lập, chủ động trong cả 365 ngày chứ không chỉ tiếp nhận kiến thức một cách thụ động trong những lúc đến trường. Đó là một nguyên lý giáo dục khác hẳn, dựa trên quan điểm là mọi bậc cha mẹ đều có thể giúp đỡ con cái học tại nhà.
Nhiều gia đình không hề sử dụng các tài liệu hướng dẫn hay chương trình giảng dạy chính thức, mà căn cứ vào thiên hướng và phong cách cá nhân của trẻ em để áp dụng các phương pháp và nội dung cụ thể. Ngay cả trong trường hợp có sử dụng các tài liệu hướng dẫn, thời gian học tập hàng ngày cũng không kéo dài quá vài tiếng đồng hồ, thời gian còn lại dùng để du lịch, biểu diễn, tham quan, đọc sách, tiến hành các dự án nghiên cứu hay tham gia hoạt động từ thiện.
Hiện nay có khoảng 1 triệu gia đình ở Mỹ áp dụng Home schooling và theo thống kê đang tăng lên khoảng 15% mỗi năm. Phần lớn các gia đình ở Mỹ lựa chọn phương pháp này vì 4 lý do chính:
1. Muốn dạy con về đạo đức và đức tin, vì các chương trình liên quan đến tôn giáo đã bị bỏ khỏi chương trình học phổ thông công lập nên nhiều gia đình theo đạo muốn dạy con tại nhà để dạy con về đạo.
2. Có thêm nhiều thời gian với con cái, nhiều người cho rằng việc cho con đến trường đi học từ 8 giờ sáng đến 3 giờ chiều là quá nhiều, bố mẹ không có nhiều thời gian để chơi với con, nói chuyện và trao đổi với con.
3. Không hài lòng với chương trình học ở các trường phổ thông, một số cho rằng cách học “nhồi nhét” ở trường quá cứng nhắc, trẻ em không có nhiều cơ hội để được dạy bảo tận tình vì mỗi đứa trẻ mỗi khác.
4. Gia đình thường xuyên phải di chuyển theo yêu cầu công tác của bố mẹ, hoặc gia đình có con là vận động viên hay phải đi tập huấn thì đây là lựa chọn duy nhất để chương trình học của con không bị xáo trộn.
Ảnh: Phụ huynh dạy con học theo chế độ homeschooling.
Ở Mỹ có rất nhiều nguồn lực giúp cho các bà mẹ có thể hiện thực hóa việc dạy con tại nhà. Ngoài các sách giáo khoa được thiết kế riêng cho phương pháp này, các bà mẹ còn có thể đăng ký cho con học các lớp online qua các website như: www.hslda.org ; www.khanacademy.org ; www.k12.com ; www.homeschool.com.
Các bậc cha mẹ có con học Home schooling cùng lập hội và giao lưu với nhau, tổ chức các chuyến dã ngoại, tìm hiểu bảo tàng, thư viện hay làm giáo viên dạy chung 1 lớp cho các em lớp lớn hoặc các môn khó. Một điều thú vị nữa là những gia đình lựa chọn phương pháp này thường có 3-4 con nên việc dạy con tại nhà lại càng tiện lợi vì các con cũng có “bạn học”, mà bố mẹ thì không phải chia nhau ra đưa đón con đi học mỗi ngày rất tốn thời gian.
Nhiều người cho rằng cho con học tại nhà như vậy làm hạn chế các giao tiếp xã hội của con cái, nhưng thực tế là các em không thiếu các hoạt động giao tiếp xã hội, chỉ khác là bố mẹ các em chủ động trong việc em chơi trò gì, chơi với ai, đi đâu… do đó các em sẽ không bị ảnh hưởng bởi các tệ nạn xã hội. Tất nhiên là các bố mẹ không thể giữ con mãi được nhưng ít nhất đối với họ, thời gian đầu đời cần phải giúp con không chỉ có kiến thức vững chắc mà còn trang bị các kỹ năng sống, kiến thức xã hội và cách sống lành mạnh trước khi ra “biển lớn”.
Công ty Thế Hệ Mới chuyên làm visa du học, du lịch, định cư từ năm 2004.