Giới thiệu Canada
29
03

Giới thiệu Canada

Đánh giá bài này
(0 bình chọn)

Canada là quốc gia có diện tích lớn thứ hai trên thế giới, và nằm ở cực bắc của Bắc Mỹ. Lãnh thổ Canada trải dài từ Đại Tây Dương từ phía đông sang Thái Bình Dương ở phía tây, và giáp Bắc Băng Dương ở phía bắc. Về phía nam, Canada giáp với Hoa Kỳ liền kề; về phía tây bắc, Canada giáp với tiểu bang Alaska của Hoa Kỳ. Ở phía đông bắc của Canada là đảo Greenland thuộc Vương quốc Đan Mạch. Ở ngoài khơi phía nam đảo Newfoundland của Canada có quần đảo Saint-Pierre và Miquelon thuộc Pháp. Biên giới chung của Canada với Hoa Kỳ về phía nam và phía tây bắc là đường biên giới dài nhất thế giới.

 

Địa lý

Đất nước Canada là một liên bang bao gồm mười tỉnh và ba vùng lãnh thổ. Các đơn vị hành chính này có thể được nhóm thành bốn vùng chính: Tây bộ Canada, Trung bộ Canada, Canada Đại Tây Dương, và Bắc bộ Canada. Các tỉnh có quyền tự trị lớn hơn các lãnh thổ, chịu trách nhiệm đối với các chương trình xã hội như chăm sóc y tế, giáo dục, và phúc lợi. Tổng thu nhập của các tỉnh nhiều hơn của chính phủ liên bang. Sử dụng quyền hạn chi tiêu của mình, chính phủ liên bang có thể bắt đầu các chính sách quốc gia tại các tỉnh, như Đạo luật Y tế Canada; các tỉnh có thể chọn ở ngoài chúng, song hiếm khi làm vậy trên thực tế. Chính phủ liên bang thực thi thanh toán cân bằng nhằm bảo đảm các tiêu chuẩn thống nhất hợp lý về các dịch vụ và thuế được thi hành giữa các tỉnh.

Ottawa là thủ đô và cũng là thành phố lớn thứ tư của Canada tọa lạc tỉnh bang Ontario. Ottawa nằm trong thung lũng sông Ottawa phía bờ Đông của tỉnh bang Ontario, cách Toronto 400 km về phía Đông Bắc và Montréal 190 km về phía Tây. Ottawa nằm trải dài theo bờ sông Ottawa, đường thủy chủ yếu ngăn cách tỉnh bang Ontario và Québec.

 

Kinh tế

Canada là một quốc gia phát triển và nằm trong số các quốc gia giàu có nhất trên thế giới, với thu nhập bình quân đầu người cao thứ tám toàn cầu, và chỉ số phát triển con người cao thứ 11 thế giới. Canada được xếp vào hàng cao nhất trong các so sánh quốc tế về giáo dục, độ minh bạch của chính phủ, tự do dân sự, chất lượng cuộc sống, và tự do kinh tế. Canada tham gia vào nhiều tổ chức quốc tế và liên chính phủ về kinh tế: G8, G20, Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương. Canada là một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

 

Khí hậu

Nhiệt độ tối cao trung bình mùa đông và mùa hè tại Canada khác biệt giữa các khu vực. Mùa đông có thể khắc nghiệt tại nhiều nơi của quốc gia, đặc biệt là trong vùng nội địa và các tỉnh thảo nguyên, là những nơi có khí hậu lục địa với nhiệt độ trung bình ngày là gần −15 °C (5 °F), song có thể xuống dưới −40 °C (−40 °F) với các cơn gió lạnh dữ dội.[88] Tại các vùng không nằm ven biển, tuyết có thể bao phủ mặt đất gần sáu tháng mỗi năm, trong khi các phần ở phía bắc có thể dai dẳng quanh năm. British Columbia Duyên hải có một khí hậu ôn hòa, với một mùa đông ôn hòa và mưa nhiều. Ở các vùng bờ biển phía đông và phía tây, nhiệt độ tối cao trung bình thường là dưới hai mươi mấy độ C, trong khi tại lãnh thổ giữa các vùng bờ biển thì nhiệt độ tối cao vào mùa hạ biến động từ 25 đến 30 °C (77 đến 86 °F), nhiệt độ tại một số nơi ở nội địa thỉnh thoảng vượt quá 40 °C (104 °F).

 

Giáo dục

Các tỉnh và lãnh thổ của Canada chịu trách nhiệm về giáo dục. Độ tuổi bắt buộc đến trường có phạm vi từ 5–7 đến 16–18 tuổi, tỷ lệ người trưởng thành biết chữ là 99%. Năm 2011, 88% người trưởng thành có tuổi từ 25 đến 64 đã đạt được trình độ tương đương tốt nghiệp trung học, trong khi tỷ lệ chung của Tổ Chức Hợp Tác Và Phát Triển Kinh Tế OECD là 74%. Năm 2002, 43% người Canada từ 25 đến 64 tuổi sở hữu một nền giáo dục sau trung học; trong độ tuổi từ 25 đến 34, tỷ lệ giáo dục sau trung học đạt 51%. Theo một tường thuật của NBC năm 2012, Canada là quốc gia có giáo dục nhất trên thế giới. Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) chỉ ra rằng học sinh Canada biểu hiện tốt hơn mức trung bình của OECD, đặc biệt là trong toán học và khoa học.

 

Ngôn ngữ

Canada có hai ngôn ngữ chính thức là tiếng Anh và tiếng Pháp, theo điều 16 của Hiến chương Canada về Quyền lợi và Tự do và Đạo luật ngôn ngữ chính thức của Liên bang. Chính phủ Canada thực hiện song ngữ chính thức, do Uỷ viên hội đồng các ngôn ngữ chính thức chấp hành. Tiếng Anh và tiếng Pháp có địa vị ngang nhau trong các tòa án liên bang, Nghị viện, và trong toàn bộ các cơ quan liên bang. Các công dân có quyền, ở nơi đủ nhu cầu, nhận các dịch vụ của chính phủ liên bang bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, và các ngôn ngữ thiểu số có địa vị chính thức được đảm bảo có trường học sử dụng chúng tại tất cả các tỉnh và lãnh thổ.

Tiếng Anh và tiếng Pháp là ngôn ngữ thứ nhất của lần lượt 59,7 và 23,2 phần trăm dân số Canada. Xấp xỉ 98% người Canada có thể nói tiếng Anh hoặc tiếng Pháp: 57,8% chỉ nói tiếng Anh, 22,1% chỉ nói tiếng Pháp, và 17,4% nói cả hai ngôn ngữ. Các cộng đồng ngôn ngữ chính thức tiếng Anh và tiếng Pháp, được xác định bằng ngôn ngữ chính thức thứ nhất được nói, tương ứng chiếm 73% và 23,6% dân số.

Hiến chương Pháp ngữ 1977 xác định tiếng Pháp là ngôn ngữ chính thức của Québec. Mặc dù hơn 85% số người Canada nói tiếng Pháp sống tại Québec, song cũng có dân số Pháp ngữ đáng kể tại Ontario, Alberta, và nam bộ Manitoba; Ontario là tỉnh có nhiều dân số Pháp ngữ nhất bên ngoài Québec. New Brunswick là tỉnh chính thức song ngữ duy nhất, có cộng đồng thiểu số Acadia nói tiếng Pháp chiếm 33% dân số. Cũng có các nhóm người Acadia tại tây nam bộ Nova Scotia, trên đảo Cape Breton, và qua trung bộ và tây bộ đảo Prince Edward. Các tỉnh khác không có ngôn ngữ chính thức như vậy, song tiếng Pháp được sử dụng như một ngôn ngữ trong giảng dạy, trong tòa án, và cho các dịch vụ chính quyền khác, cùng với tiếng Anh. Manitoba, Ontario, và Québec cho phép nói cả tiếng Anh và tiếng Pháp tại các cơ quan lập pháp cấp tỉnh, và các đạo luật được ban hành bằng cả hai ngôn ngữ. Tại Ontario, tiếng Pháp có một số địa vị pháp lý, song không hoàn toàn là ngôn ngữ đồng chính thức.

Có 11 nhóm ngôn ngữ Thổ dân, bao gồm hơn 65 phương ngôn riêng biệt. Trong số đó, chỉ có Cree, Inuktitut và Ojibway là có số người nói thành thạo đủ lớn để được xem là có thể sinh tồn trường kỳ. Một vài ngôn ngữ thổ dân có địa vị chính thức tại Các Lãnh thổ Tây Bắc. Inuktitut là ngôn ngữ chính tại Nunavut, và là một trong ba ngôn ngữ chính thức tại lãnh thổ này. Năm 2011, gần 6,8 triệu người Canada kê khai ngôn ngữ mẹ đẻ của họ là một ngôn ngữ phi chính thức. Một số ngôn ngữ thứ nhất phi chính thức thông dụng nhất là tiếng Trung Quốc (chủ yếu là tiếng Quảng Đông; 1.072.555 người), Punjab (430.705), Tây Ban Nha (410.670), Đức (409.200), và Ý (407.490).

 

Dân số

Điều tra dân số Canada năm 2011 đưa ra số liệu tổng dân số 33.476.688, tăng khoảng 5,9% so với số liệu năm 2006. Tháng 12 năm 2012, Cơ quan Thống kê Canada báo cáo dân số trên 35 triệu. Khoảng bốn phần năm dân số Canada sống cách với biên giới Hoa Kỳ dưới 150 kilômét (93 mi). Xấp xỉ 80% người Canada sống tại các khu vực đô thị tập trung tại hành lang thành phố Québec - Windsor, Lower Mainland tại British Columbia, và hành lang Calgary - Edmonton tại Alberta.

Giống như các quốc gia phát triển khác, Canada đang trải qua biến đổi nhân khẩu học theo hướng dân số già hơn, với nhiều người nghỉ hưu hơn và ít người trong độ tuổi lao động hơn. Năm 2006, tuổi trung bình của cư dân Canada là 39,5; năm 2011, con số này tăng lên xấp xỉ 39,9. Năm 2013, tuổi thọ bình quân của người Canada là 81.

Theo điều tra dân số năm 2006, nguồn gốc dân tộc tự thuật lớn nhất là người Canada (chiếm 32% dân số), tiếp theo là người Anh (21%), người Pháp (15,8%), người Scoltand (15,1%), người Ireland (13,9%), người Đức (10,2%), người Ý (4,6%), người Hoa (4,3%), người Dân tộc Trước tiên (4,0%), người Ukraina (3,9%), và người Hà Lan (3,3%).

Có 600 nhóm Dân tộc Trước tiên được công nhận, với tổng số 1.172.790 người. Dân số thổ dân của Canada đang tăng trưởng gần gấp hai lần tỷ lệ bình quân toàn quốc, và 4% dân số Canada tuyên bố họ có đặc tính thổ dân trong năm 2006. 16,2% dân số khác thuộc một nhóm thiểu số hữu hình (visible minority) phi thổ dân.

Năm 2006, các nhóm thiểu số hữu hình lớn nhất là người Nam Á (4,0%), người Hoa (3,9%) và người Da đen (2,5%). Từ năm 2001 đến năm 2006, dân số dân tộc thiểu số hữu hình tăng trưởng 27,2%. Năm 2007, gần một phần năm (19,8%) người Canada sinh ra tại nước ngoài, với gần 60% tân di dân đến từ châu Á (gồm cả Trung Đông).

Các nguồn nhập cư dẫn đầu đến Canada hiện là Trung Quốc, Philippines và Ấn Độ. Theo cục Thống kê Canada, các nhóm thiểu số hữu hình có thể chiếm một phần ba dân số Canada vào năm 2031. Canada là một trong những quốc gia có tỷ lệ người nhập cư bình quân cao nhất thế giới, được thúc đẩy từ chính sách kinh tế và đoàn tụ gia đình. Một thống kê cho biết có 280.636 người nhập cư đến Canada trong năm 2010. Chính phủ Canada dự tính có từ 240.000 đến 265.000 cư dân thường trú mới vào năm 2013, một con số người nhập cư tương tự như trong những năm gần đây. Những người mới nhập cư chủ yếu định cư tại các khu vực đô thị lớn như Toronto và Vancouver. Canada cũng chấp nhận một lượng lớn người tị nạn chiếm hơn 10% tái định cư người tị nạn toàn cầu mỗi năm.

 

Tín ngưỡng

Canada là quốc gia có tôn giáo đa dạng, bao gồm nhiều tín ngưỡng và phong tục. Theo điều tra năm 2011, 67,3% người Canada nhận là tín đồ Ki-tô giáo; trong đó Công giáo La Mã là nhóm lớn nhất với 38,7% dân số. Các giáo phái Tin Lành lớn nhất là Giáo hội Hiệp đồng Canada (6,1% người Canada), tiếp theo là Anh giáo (5,0%), và Báp-tít (1,9%). Năm 2011, khoảng 23,9% cư dân Canada tuyên bố không theo tôn giáo, so với 16,5% vào năm 2001, 8,8% dân số còn lại là tín đồ của các tôn giáo phi Ki-tô, lớn nhất trong đó là Hồi giáo (3,2%) và Ấn Độ giáo (1,5%).

 

Xem 2950 lần
Cùng chủ đề: Văn hóa Canada »

 

Đối tác tiêu biểu

Trải qua gần 20 năm hoạt động, công ty tư vấn du học Thế Hệ Mới tự hào là đại diện tuyển sinh chính thức tại Việt Nam của hàng trăm trường và tổ chức giáo dục uy tín ở Mỹ, Canada, Úc, Singapore.