In trang này
16
01

Lịch sử Mỹ

  by
Đánh giá bài này
(0 bình chọn)

Những con người đầu tiên đến Bắc Mỹ chắc chắn đã tới đây mà không hề biết rằng họ đã vượt qua biển cả để đến một lục địa mới. Chắc chắn họ đã săn đuổi các loài thú như tổ tiên họ đã làm suốt hàng nghìn năm dọc bờ biển Siberia và sau đó băng qua vùng đất nổi ấy.

Những thổ dân của Hoa Kỳ Lục địa, kể cả thổ dân Alaska, đã di cư từ châu Á sang. Họ bắt đầu đến đây ít nhất là 12.000 năm và có thể xa nhất là 40.000 năm trước đây. Một số cộng đồng bản thổ trong thời tiền Columbia đã phát triển nông nghiệp tiên tiến, đại kiến trúc, và những xã hội cấp tiểu quốc. Nhà thám hiểm Christopher Columbus đến Puerto Rico ngày 19 tháng 11 năm 1493 và đã tiếp xúc lần đầu tiên với thổ dân châu Mỹ. Những năm sau đó, đa số thổ dân châu Mỹ bị bệnh dịch Âu Á giết chết.

Người Tây Ban Nha thiết lập các thuộc địa châu Âu sớm nhất trên đất liền tại vùng mà bây giờ là Florida. Trong số các thuộc địa này, chỉ St. Augustine được thành lập năm 1565 là còn tồn tại. Sau đó, các khu định cư Tây Ban Nha trong miền tây nam Hoa Kỳ ngày nay đã thu hút hàng ngàn người khắp Mexico. Những thương buôn da thú người Pháp thiết lập các tiền trạm của Tân Pháp quanh Ngũ Đại Hồ. Pháp dần dần tuyên bố chủ quyền phần lớn phía bên trong của Bắc Mỹ xa về miền nam đến Vịnh Mexico. Các khu định cư thành công ban đầu của người Anh là Thuộc địa Virginia ở Jamestown năm 1607 và Thuộc địa Plymouth năm 1620. Việc thiết lập Thuộc địa Vịnh Massachusetts năm 1628 tạo ra một làn sóng di dân; đến năm 1634, New England đã có khoảng 10.000 người theo Thanh giáo định cư. Giữa cuối thập niên 1610 và cuộc cách mạng, người Anh đã đưa khoảng 50.000 tội phạm đến các thuộc địa Mỹ của họ. Bắt đầu năm 1614, người Hà Lan đã thiết lập các khu định cư dọc theo hạ lưu Sông Hudson, gồm có Tân Amsterdam trên Đảo Manhattan. Khu định cư nhỏ Tân Thụy Điển được thiết lập dọc theo Sông Delaware năm 1638 sau đó bị người Hà Lan chiếm vào năm 1655.

Trong cuộc Chiến tranh Pháp và thổ dân châu Mỹ, Vương quốc Anh đã thừa cơ giành lấy Canada từ tay người Pháp, nhưng dân chúng nói tiếng Pháp vẫn được tự do về chính trị và tách biệt khỏi các thuộc địa ở phía nam. Năm 1674, người Anh đã chiếm được các cựu thuộc địa của Hà Lan trong các cuộc Chiến tranh Anh-Hà Lan; tỉnh Tân Hà Lan bị đổi tên thành New York. Với việc phân chia Carolinas năm 1729 và thuộc địa hóa Georgia năm 1732, mười ba thuộc địa của Anh mà sau này trở thành Hoa Kỳ được thành lập. Tất cả đều có chính quyền thuộc địa và địa phương cùng với bầu cử mở rộng cho đa số đàn ông tự do. Tất cả thuộc địa đều hợp pháp hóa việc buôn bán nô lệ châu Phi. Với tỉ lệ sinh sản cao và tử vong thấp, cộng thêm việc di dân mới đến điều đặn, các thuộc địa đã tăng gấp đôi dân số cứ mỗi 25 năm. Phong trào khơi lại đức tin của Tín hữu Cơ Đốc trong thập niên 1730 và thập niên 1740 được biết đến như Đại Tỉnh thức đã khiến cho dân chúng quan tâm cả tôn giáo và sự tự do tín ngưỡng. Vào năm 1770, các thuộc địa có số người Anh giáo ngày gia tăng lên đến khoảng 3 triệu người, bằng khoảng nửa dân số của Vương quốc Anh vào lúc đó. Mặc dù các thuộc địa chịu thuế Anh nhưng họ không có một đại diện nào trong Quốc hội Vương quốc Anh.

 

Độc lập và mở rộng lãnh thổ

Căng thẳng giữa mười ba thuộc địa Mỹ và người Anh trong giai đoạn cách mạng trong thập niên 1760 và đầu thập niên 1770 đưa đến cuộc Chiến tranh Cách mạng Mỹ nỗ ra từ năm 1775 cho đến năm 1781. Ngày 14 tháng 6 năm 1775, Đệ nhị Quốc hội Lục địa nhóm họp tại Philadelphia đã thành lập một Quân đội Lục địa dưới quyền tư lệnh của George Washington và đã tuyên bố rằng "tất cả con người được sinh ra đều có quyền bình đẳng" và được ban cho "một số quyền bất khả nhượng." Quốc hội chấp thuận bản Tuyên ngôn Độc lập mà phần nhiều là do Thomas Jefferson thảo, vào ngày 4 tháng 7 năm 1776. Năm 1777, Những Điều khoản Liên hiệp được chấp thuận, thống nhất các bang dưới một chính phủ liên bang lỏng lẻo mà hoạt động cho đến năm 1788. Khoảng 70.000–80.000 người trung thành với Vương miện Anh đào thoát khỏi các bang nổi loạn, nhiều người đến Nova Scotia và những vùng Vương quốc Anh mới chiếm được tại Canada. Người bản thổ Mỹ bị chia rẽ vì liên minh với hai phía đối nghịch đã sát cánh bên phía của mình trên mặt trận phía tây của cuộc chiến.

Sau khi các lực lượng Mỹ với sự giúp đỡ của người Pháp đánh bại quân đội Anh, Vương quốc Anh công nhận chủ quyền của mười ba bang vào năm 1783. Một hội nghị hiến pháp được tổ chức năm 1787 bởi những người muốn thành lập một chính phủ quốc gia mạnh hơn với quyền lực trên các bang. Vào tháng 6 năm 1788, chín bang đã thông qua bản Hiến pháp Hoa Kỳ, đủ để thành lập một chính phủ mới; Thượng và Hạ viện đầu tiên của cộng hòa, và Tổng thống George Washington nhậm chức năm 1789. Thành phố New York là thủ đô liên bang khoảng 1 năm trước khi chính phủ di chuyển đến Philadelphia. Năm 1791, các bang thông qua Đạo luật Nhân quyền, đó là mười tu chính án Hiến pháp nghiêm cấm việc hạn chế của liên bang đối với sự tự do cá nhân và bảo đảm một số bảo vệ về pháp lý. Thái độ đối với chế độ nô lệ dần dần có thay đổi; một điều khoản trong Hiến pháp nói đến sự bảo đảm buôn bán nô lệ châu Phi chỉ đến năm 1808. Các bang miền bắc bãi bỏ chế độ nô lệ giữa năm 1780 và năm 1804, để lại các bang với chế độ nô lệ ở miền nam. Năm 1800, chính phủ liên bang di chuyển đến Washington D.C.

 

us states by date of state hod
Ảnh: Bản đồ động thể hiện năm thành lập các tiểu bang của Mỹ.
 

Sự hăng hái mở rộng lãnh thổ của người Mỹ về phía tây đã khởi sự một loạt Các cuộc chiến tranh với người bản thổ Mỹ kéo dài cho đến cuối thế kỷ 19 khi những người thổ dân châu Mỹ bị tước đoạt hết đất đai của họ. Việc mua vùng đất Louisiana, lãnh thổ mà Pháp tuyên bố chủ quyền, được thực hiện dưới thời Tổng thống Thomas Jefferson năm 1803 đã thực sự làm tăng gấp đôi diện tích Hoa Kỳ. Chiến tranh năm 1812, được tuyên chiến với Anh vì nhiều bất đồng, không phân thắng bại, đã làm gia tăng chủ nghĩa quốc gia của người Mỹ. Một loạt các cuộc tiến công quân sự của Hoa Kỳ vào Florida đưa đến việc Tây Ban Nha nhượng lại vùng đất Florida và nhiều lãnh thổ duyên hải Vịnh Mexico khác cho Hoa Kỳ năm 1819. Hoa Kỳ sát nhập Cộng hòa Texas năm 1845. Khái niệm về Vận mệnh hiển nhiên (Manifest Destiny) rất phổ biến đối với công chúng trong suốt thời kỳ này, là một niềm tin rằng Hoa Kỳ có vận mệnh mở rộng lãnh thổ từ duyên hải Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương.

Hiệp ước Oregon với Anh năm 1846 đưa đến việc Hoa Kỳ kiểm soát vùng mà ngày nay là tây bắc Hoa Kỳ. Chiến thắng của Hoa Kỳ trong Chiến tranh Mexico - Mỹ năm 1848 đưa đến việc Mexico nhượng lại California và phần nhiều những vùng đất mà ngày nay là tây nam Hoa Kỳ. Cơn sốt vàng ở California năm 1848 - 1849 càng hấp dẫn di dân về miền tây. Các đường sắt mới xây dựng tạo cho người định cư dễ dàng di chuyển khắp nơi hơn nhưng làm gia tăng các cuộc xung đột với người thổ dân châu Mỹ. Trên nửa thế kỷ, có đến 40 triệu bò rừng Bison bị giết để lấy da và thịt, và giúp cho việc mở rộng các tuyến đường sắt. Việc mất mát quá nhiều bò rừng Bison, vốn là một nguồn kinh tế, thực phẩm chính của những người thổ dân Mỹ tại vùng đồng bằng, là một cú đánh sống còn vào nhiều nền văn hóa thổ dân và không gian sinh tồn của họ.

 

Nội chiến và kỹ nghệ hóa

Căng thẳng giữa các bang tự do và các bang có chế độ nô lệ chất chồng với những bất đồng ngày một gia tăng trong quan hệ giữa chính phủ liên bang và các chính quyền bang cùng với những cuộc xung đột bạo lực về việc mở rộng chế độ nô lệ vào các bang mới thành lập. Abraham Lincoln, ứng viên của Đảng Cộng hòa là đảng mà phần đông chống chủ nghĩa nô lệ, được bầu làm tổng thống năm 1860. Trước khi ông nhậm chức, bảy bang có chế độ nô lệ tuyên bố ly khai khỏi Hoa Kỳ và thành lập Liên minh các bang miền nam Hoa Kỳ. Chính phủ liên bang luôn cho rằng việc ly khai là bất hợp pháp, và khi quân Liên minh tấn công Đồn Sumter, Nội chiến Hoa Kỳ bắt đầu và thêm bốn bang có chế độ nô lệ gia nhập Liên minh. Liên bang trả tự do cho các nô lệ thuộc Liên minh khi Quân đội Liên bang tiến qua miền nam. Sau chiến thắng của Liên bang năm 1865, ba tu chính án được thêm vào Hiến pháp Hoa Kỳ bảo đảm quyền tự do cho gần 4 triệu người Mỹ gốc châu Phi từng là nô lệ, cho họ quyền công dân, và cho họ quyền bầu cử. Cuộc chiến và giải pháp của nó mang đến sự gia tăng quyền lực đáng kể của chính phủ liên bang.

Sau chiến tranh, sự kiện Tổng thống Abraham Lincoln bị ám sát đã cấp tiến hóa chính sách tái thiết của Đảng Cộng hòa nhằm tái thống nhất và tái kiến thiết các bang miền nam trong lúc đó bảo đảm quyền lợi của những người nô lệ mới được tự do. Cuộc tranh cãi kết quả bầu cử tổng thống năm 1876 được giải quyết bằng thỏa hiệp năm 1877 đã kết thúc công cuộc tái thiết. Luật Jim Crow, những luật địa phương và bang ở các bang miền nam được thông qua chẳng bao lâu sau đó, đã tước quyền công dân của nhiều người Mỹ gốc châu Phi bằng lập luận cho rằng luật bảo đảm công bằng nhưng tách ly giữa các chủng tộc. Tại miền bắc, đô thị hóa và một loạt di dân ào ạt chưa từng có đã đẩy nhanh tiến độ công nghiệp hóa Hoa Kỳ. Làn sóng di dân tồn tại cho đến năm 1929 đã cung ứng lực lượng lao động cho các ngành nghề của Hoa Kỳ và chuyển đổi nền văn hóa Mỹ. Bảo vệ chống thuế cao, xây dựng hạ tầng cơ sở quốc gia, và luật lệ quy định mới về ngân hàng đã khuyến khích sự phát triển công nghiệp. Việc mua Alaska năm 1867 từ Nga đã hoàn thành việc mở rộng Hoa Kỳ trên lục địa. Thảm sát Wounded Knee năm 1890 là xung đột vũ trang chính trong Chiến tranh với người bản thổ Mỹ. Năm 1893, Vương quyền của Vương quốc Hawaii Thái Bình Dương bị lật đổ trong một cuộc đảo chính do cư dân người Mỹ lãnh đạo; quần đảo bị sát nhập vào Hoa Kỳ năm 1898. Chiến thắng trong Chiến tranh Tây Ban Nha-Mỹ cũng trong năm đó chứng tỏ rằng Hoa Kỳ là một siêu cường chính của thế giới và kết quả là việc sát nhập Puerto Rico, Guam và Philippines. Philippines giành được độc lập nửa thế kỷ sau đó; Puerto Rico và Guam vẫn là lãnh thổ của Hoa Kỳ.

 

Đệ nhất Thế chiến, Đại khủng hoảng, Đệ nhị Thế chiến

Lúc khởi sự Đệ nhất Thế chiến năm 1914, Hoa Kỳ vẫn giữ thế trung lập. Người Mỹ có thiện cảm với người Anh và người Pháp mặc dù nhiều công dân, đa số là người Ireland và người Đức, chống đối can thiệp. Năm 1917, Hoa Kỳ tham chiến cùng với phe Hiệp Ước đã làm thay đổi cục diện theo chiều hướng bất lợi cho phe Liên minh Trung tâm. Do dự can thiệp vào nội bộ của châu Âu, Thượng viện Hoa Kỳ đã không thông qua Hòa ước Versailles để thành lập Hội Quốc Liên. Hoa Kỳ theo đuổi một chính sách của chủ nghĩa đơn phương có chiều hướng chủ nghĩa cô lập. Năm 1920, phong trào nữ quyền đã giành được chiến thắng để một tu chính án hiến pháp ra đời cho phép phụ nữ quyền bầu cử. Một phần vì có nhiều người phục vụ trong chiến tranh nên người bản thổ Mỹ giành được quyền công dân Hoa Kỳ theo Đạo luật Công dân dành cho người bản thổ Mỹ năm 1924.

Trong suốt thập niên 1920, Hoa Kỳ hưởng được một thời kỳ thịnh vượng không cân bằng khi lợi nhuận của các nông trại giảm thì lợi nhuận của công nghiệp gia tăng. Nợ gia tăng và thị trường chứng khoán lạm phát đã tạo ra sự sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 1929 và khởi sự cho Đại khủng hoảng. Sau khi đắc cử tổng thống năm 1932, Franklin Delano Roosevelt đã đối phó với tình trạng trên bằng kế hoạch gọi là New Deal. Đó là một loạt các chính sách gia tăng quyền hạn can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế. Bão cát giữa thập niên 1930 đã làm cho các cộng đồng nông trại trắng tay và khích lệ một làn sóng mới di dân về miền tây. Hoa Kỳ không hồi phục được hoàn toàn vì khủng hoảng kinh tế cho đến khi có cuộc huy động công nghiệp nhằm hỗ trợ Hoa Kỳ tham chiến trong Đệ nhị Thế chiến. Hoa Kỳ, hầu như trung lập suốt thời gian đầu của cuộc chiến sau khi Đức Quốc xã xâm lược Ba Lan vào tháng 9 năm 1939, đã bắt đầu cung cấp các trang thiết bị quân sự cho Đồng minh trong tháng 3 năm 1941 qua chương trình có tên là Lend-Lease (thuê mướn).

Ngày 7 tháng 12 năm 1941, Hoa Kỳ tham chiến chống Phe Trục sau một vụ tấn công Trân Châu Cảng bất ngờ của Nhật Bản. Đệ nhị Thế chiến tiêu hao nhiều tiền của hơn bất cứ cuộc chiến nào trong Lịch sử Hoa Kỳ, nhưng nó đã đẩy mạnh nền kinh tế bằng cách cung cấp sự đầu tư vốn và công việc làm trong khi đưa nhiều phụ nữ vào thị trường lao động. Các hội nghị của phe Đồng Minh tại Bretton Woods và Yalta đã phác thảo ra một hệ thống mới các tổ chức liên chính phủ mà đặt Hoa Kỳ và Liên Xô ở tâm điểm của những vấn đề liên quan đến thế giới. Khi chiến thắng đạt được tại châu Âu, một hội nghị quốc tế năm 1945 được tổ chức tại San Francisco đã cho ra đời bản Hiến chương Liên Hiệp Quốc mà bắt đầu hoạt động sau chiến tranh. Hoa Kỳ là nước đầu tiên phát triển vũ khí nguyên tử và đã sử dụng chúng trên hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản vào tháng tám. Nhật Bản đầu hàng vào ngày 2 tháng 9, kết thúc Đệ nhị Thế chiến.

 

Chiến tranh lạnh và chính trị phản đối

Hoa Kỳ và Liên Xô tranh giành vị thế sau Đệ nhị Thế chiến trong Chiến tranh lạnh, chi phối các vấn đề quân sự của châu Âu bằng Tổ chức Liên phòng Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Hiệp ước Warsaw. Hoa Kỳ quảng bá dân chủ tự do và chủ nghĩa tư bản trong khi Liên Xô cổ vũ chủ nghĩa cộng sản và một nền kinh tế kế hoạch tập quyền. Liên Xô ủng hộ các chế độ độc tài và Hoa Kỳ cũng như vậy, và cả hai lâm vào trong các cuộc chiến tranh thay thế (Proxy War). Quân đội Hoa Kỳ đã đánh nhau với lực lượng cộng sản Trung Quốc trong Chiến tranh Triều Tiên năm 1950 - 1953. Ủy ban Hạ viện điều tra về các hoạt động chống Hoa Kỳ đã theo đuổi một loạt các cuộc điều tra về sự phá hoại của thành phần thiên tả tình nghi khi Thượng nghị sĩ Joseph McCarthy trở thành người đứng đầu nhóm có thái độ bài cộng sản ở Quốc hội Hoa Kỳ.

Liên Xô phóng phi thuyền có người lái đầu tiên năm 1961 khiến Hoa Kỳ phải nỗ lực nâng cao trình độ về toán và khoa học và sự việc Tổng thống John F. Kennedy lên tiếng rằng Hoa Kỳ phải là nước đầu tiên đưa "một người lên Mặt Trăng," đã hoàn thành vào năm 1969. Kennedy cũng đối phó với một đối đầu hạt nhân căng thẳng với lực lượng Xô Viết tại Cuba. Trong lúc đó, Hoa Kỳ trải qua sự phát triển kinh tế mạnh mẽ. Một phong trào nhân quyền lớn mạnh do những người Mỹ gốc châu Phi nổi tiếng lãnh đạo, như Mục sư Martin Luther King Jr., đã chống đối việc tách biệt và kỳ thị đưa đến việc bãi bỏ luật Jim Crow. Sau khi John F. Kennedy bị ám sát năm 1963, Đạo luật Nhân quyền năm 1964 được thông qua dưới thời Tổng thống Lyndon B. Johnson. Johnson và người kế nhiệm là Richard Nixon đã mở rộng một cuộc chiến thay thế (Proxy War) tại Đông Nam Á trong Chiến tranh Việt Nam.

Với kết cục của Vụ tai tiếng Watergate năm 1974, Tổng thống Richard Nixon đã trở thành vị tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ từ chức hơn là bị truất phế với cáo buộc bao gồm gây trở ngại công lý và lạm dụng quyền lực; ông được Gerald Ford thay thế chức tổng thống. Trong thời chính phủ của Tổng thống Jimmy Carter cuối thập niên 1970, kinh tế của Hoa Kỳ trải qua thời kỳ đình lạm. Ronald Reagan đắc cử tổng thống năm 1980 đánh dấu một sự chuyển dịch về phía hữu (bảo thủ) trong nền chính trị Mỹ, được phản ánh trong những mục tiêu ưu tiên về sử dụng ngân sách và chính sách thuế. Cuối thập niên 1980 và trong thập niên 1990, quyền lực của Liên Xô bị thu nhỏ lại dẫn đến việc sụp đổ của nó.

 

Cận đại

Vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ và đồng minh của mình trong Chiến tranh Vùng Vịnh được Liên Hiệp Quốc ủng hộ dưới quyền của Tổng thống George H. W. Bush, và sau đó là Chiến tranh Nam Tư giúp duy trì vị thế của Hoa Kỳ như một siêu cường duy nhất còn lại. Sự phát triển kinh tế dài nhất trong lịch sử Hoa Kỳ từ tháng ba năm 1991 đến tháng ba năm 2001 đã bao trùm hết hai nhiệm kỳ của Tổng thống Bill Clinton. Năm 1998, Clinton bị Hạ viện Hoa Kỳ truất phế với các cáo buộc liên quan đến một vụ cáo trạng của Paula Jones và một vụ tai tiếng tình dục nhưng sau đó ông được Thượng viện Hoa Kỳ tha bổng và vẫn tại chức.

Cuộc Bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ năm 2000 gây nhiều tranh cãi được Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ can thiệp và giải quyết với kết quả là chức tổng thống về tay Thống đốc bang Texas là George W. Bush, con trai của George H. W. Bush. Vào ngày 11 tháng 9 năm 2001, bọn khủng bố dùng máy bay dân sự cướp được đánh vào Trung tâm Thương mại Thế giới tại Thành phố New York và Ngũ Giác Đài gần Washington, D.C., giết chết gần ba ngàn người. Sau vụ đó, Tổng thống Bush mở cuộc Chiến tranh chống khủng bố dưới một triết lý quân sự nhấn mạnh đến chiến tranh phủ đầu mà bây giờ được biết như Học thuyết Bush. Cuối năm 2001, các lực lượng Hoa Kỳ đã lãnh đạo một cuộc tiến công của NATO vào Afghanistan lật đổ chính phủ Taliban và phá hủy các trại huấn luyện khủng bố của al-Qaeda. Du kích quân Taliban tiếp tục một cuộc chiến tranh du kích chống lực lượng do NATO lãnh đạo.

Năm 2002, chính phủ Bush bắt đầu gây áp lực cho sự thay đổi chế độ tại Iraq với các lý do gây nhiều tranh cãi. Thiếu sự phụ trợ của NATO, Bush thành lập một Liên minh tự nguyện và Hoa Kỳ xâm chiếm Iraq năm 2003, lật đổ nhà độc tài Saddam Hussein khỏi quyền lực. Mặc dù đối phó với áp lực từ cả bên ngoài và bên trong nước đòi rút quân, Hoa Kỳ vẫn duy trì sự hiện diện quân sự tại Iraq.

Năm 2005, Bão Katrina gây sự tàn phá nặng dọc theo phần lớn Vùng Duyên hải Vịnh của Hoa Kỳ, tàn phá New Orleans. Ngày 4 tháng 11 năm 2008, trong cuộc khủng hoảng kinh kế lớn, quốc gia Hoa Kỳ đã bầu Barack Obama làm tổng thống. Ông được tuyên thệ nhậm chức và ngày 20 tháng 1 năm 2009, trở thành người Mỹ gốc Phi đầu tiên giữ chức vụ tổng thống Hoa Kỳ.

 

Nguồn thông tin: wikipedia.org

Xem 3112 lần