Vườn Quốc gia Grand Canyon, thuộc tiểu bang Arizona, rộng gần 5.000 km2 là một trong những thắng cảnh được nhiều khách viếng thăm nhất thế giới. Người Việt gọi đây là đại vực kỳ bí vì Grand Canyon có hàng trăm hẻm núi có chiều sâu đến 2 km, được ví như những vực thẳm lớn nhất trên trái đất.
Du khách có thể đến Grand Canyon từ bốn hướng khác nhau nhưng tiện nhất là từ hướng nam vì ở đây có rừng, suối, phong cảnh hữu tình và giao thông thuận lợi. Từ hướng bắc và đông thì đường qua núi hiểm trở hơn và một số xa lộ bị đóng do tuyết rơi vào mùa đông.
Vòng cung phía nam (South Rim) của Grand Canyon nằm ở độ cao 2.100 m là khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia do vị tổng thống thứ 26 của Mỹ Theodore Roosevelt ký sắc lệnh thành lập vào năm 1908. Đây là điểm tham quan nghỉ dưỡng truyền thống của người Mỹ với những con đường lát đá dài hàng chục dặm, men theo bờ vực cùng nhiều khách sạn sinh thái, nhà hàng, khu cắm trại, sân bay và hệ thống xe buýt phục vụ miễn phí.
Vòng cung phía bắc (North Rim) của Grand Canyon do nằm cao hơn phía nam khoảng 300 m nên lạnh hơn. Tuy chỉ cách vòng cung phía nam vẻn vẹn 16 km theo đường chim bay nhưng thực tế hai nơi này cách nhau tới 344 km do phải đi vòng sang phía bên kia của đại vực.
Lãng mạn đường xe lửa
Ở South Rim của Grand Canyon, du khách có thể mua vé đi chuyến tàu lửa Grand Canyon Train cổ kính đóng từ đầu thế kỷ 20, vừa thưởng thức bữa sáng vừa ngắm cảnh đại vực trong bầu không khí se lạnh lúc ban mai.
Nếu ưa thích một chút mạo hiểm và gần gũi thiên nhiên, du khách có thể khám phá Grand Canyon bằng một cuộc đi dạo (hiking), dài hay ngắn tùy vào sức cuốc bộ, theo những con đường mòn như South Kaibab Trail hay Bright Angel Trail thoắt ẩn hiện trong thung lũng.
Nếu chịu kiên trì đặt trước chỗ vài tháng, du khách có thể thử cảm giác cưỡi những chú la (Mule) đi dọc theo những đường mòn cheo leo, như những người Mỹ viễn Tây xưa kia.
Và cuối cùng, thật khó tả được cảm giác kỳ lạ, khi du khách đến được điểm đích của cuộc lữ hành, tận cùng dưới đáy của đại vực, để nhúng gót chân xuống dòng nước màu xanh lục, quanh năm mát lạnh của dòng sông Colorado. Bạn sẽ không hiểu mình đang đặt chân ở ngưỡng cửa thiên đường, nơi tuyệt đối yên bình tĩnh lặng, hay còn đang ở giữa đường đi sâu xuống lòng trái đất.
Tuy vậy, với nhiều du khách, có lẽ tham quan West Rim là một phương án thích hợp hơn vì vòng cung này chỉ cách Las Vegas có 3 giờ đi xe. Vào năm 2007, một nhà đầu tư người Mỹ gốc Hoa, được sự cho phép của bộ tộc thổ dân da đỏ Huapalai, chủ nhân thực tế của vùng phía tây Grand Canyon, đã xây dựng một kết cấu kính - thép hình móng ngựa có một không hai trên thế giới, vươn ra xa hơn 20 mét từ vách núi trên độ cao 1.600 mét so với mặt sông Colorado.
Công trình này được đặt tên là Skywalk (tản bộ trên trời) vì du khách đi bộ trên cây cầu đáy kính trong suốt này có thể ngắm nhìn toàn cảnh đại vực với dòng sông Colorado xanh ngắt và những cánh chim chao liệng bên dưới chân mình. Giá vé để vọng cảnh trên Skywalk là 32 USD và thêm 18 USD nữa nếu muốn tham quan toàn bộ khu du lịch bảo tồn văn hóa thổ dân Huapalai.
Trải nghiệm từ trên cao
Tuy nhiên, để chiều lòng những du khách vừa muốn xuống nếm trải cảm giác bồng bềnh trên dòng nước Colorado mà lại không muốn chân phải vướng “bụi hồng”, đã có các tour khám phá Grand Canyon bằng trực thăng và máy bay nhỏ. Chỉ với khoảng 200 USD một người, những chiếc trực thăng du lịch xinh xắn như những chú chuồn chuồn bằng thủy tinh của công ty Pappillon Helicopter sẽ đưa du khách từ sân bay, vượt qua bờ đại vực dốc đứng, nhẹ nhàng đáp xuống bãi đáp nhỏ dưới đáy vực ngay bên bờ sông.
Đây là dịp may hiếm có để du khách nếm trải những khoảng khắc nín thở khi ngồi trên trực thăng nhìn bờ vực loang loáng lướt qua dưới chân mình. Những phi công vui tính người Mỹ, sẵn sàng thực hiện những cú swing (nghiêng đột ngột) hay hạ xuống những vực sâu hun hút với tốc độ chóng mặt, để đổi lấy những tràng reo hò phấn khích của du khách.
Grand Canyon ít được đưa vào các chương trình du lịch dành cho khách Việt Nam, do chi phí cao. Tuy nhiên nếu đã một lần đến Las Vegas, bạn không nên bỏ qua kỳ quan có một không hai này.
Thị thực không di dân với mục đích thăm viếng ngắn hạn tại Mỹ có 3 loại: B-1 cấp cho người đi công tác, B-2 cấp cho người đi du lịch theo đoàn hoặc đi chữa bệnh, B-1/B-2 là loại thị thực kết hợp cả 2 mục đích trên, mỗi lần đến Mỹ đương đơn sẽ được chấp thuận tình trạng nhập visa B-1 hoặc B-2 tùy theo mục đích chính của chuyến đi và đây cũng là loại thị thực du lịch Mỹ phổ biến nhất hiện nay. Thị thực B-1/B-2 có thời hạn hiệu lực 12 tháng và có giá trị nhập cảnh nhiều lần, sau khi thị thực hết hạn trong vòng 12 tháng đương đơn có thể nộp hồ sơ gia hạn thị thực mà không cần phải đi phỏng vấn như lần đầu tiên.
Để được cấp thị thực du lịch Mỹ, mọi công dân Việt Nam có hộ chiếu Phổ thông đều phải tham dự buổi phỏng vấn xin thị thực tại Lãnh sự quán tại TP. Hồ Chí Minh hoặc Đại sứ quán tại TP. Hà Nội. Nếu đơn xin thị thực được chấp thuận, đương đơn thường nhận được thị thực thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh trong vòng 3 đến 5 ngày làm việc. Đương đơn có thể nộp đơn xin thị thực du lịch Mỹ sớm nhiều tháng trước ngày dự định khởi hành đến Mỹ.
Trong một vài trường hợp hồ sơ xin visa phải trải qua thủ tục xử lý hành chính (Administrative processing), thủ tục này sẽ mất thêm một thời gian nữa kể từ ngày được viên chức Lãnh Sự xem xét hồ sơ. Thủ tục xử lý hành chính phần lớn được giải quyết trong vòng 02 tuần nhưng đôi khi cũng kéo dài đến 60 ngày tính từ ngày phỏng vấn.
Lưu ý: Các đương đơn xuất trình giấy tờ giả mạo hoặc khai báo thông tin sai sự thật sẽ vĩnh viễn không đủ điều kiện để cấp thị thực đến Hoa Kỳ theo điều luật INA 212(a)(6)(C)(i).
Lưu ý: Để tránh gặp khó khăn trong lần xin visa kế tiếp, đương đơn không nên lưu trú tại Mỹ lâu hơn thời hạn đã khai báo trong đơn xin thị thực DS-160.
Ảnh: Visa du lịch Mỹ của chị Xuân Vy, giám đốc văn phòng Thế Hệ Mới tại TP.HCM
Công ty Thế Hệ Mới với 14 năm kinh nghiệm sẽ giúp quý khách hoàn tất thủ tục xin visa du lịch Mỹ nhanh chóng và hiệu quả.
Công ty Thế Hệ Mới chuyên làm visa du học, du lịch, định cư từ năm 2004.
Người ta thường bảo rằng, đến New York mà chưa ghé xem Nữ thần Tự do thì chưa phải là thật sự đến New York. Có người còn nói quá lên rằng, đến Mỹ mà chưa tận mắt thấy Nữ thần Tự do thì chưa phải đến Mỹ. Sự tự hào ấy của người Mỹ không phải là không có lý, bởi lẽ, biết bao nhiêu bức tượng đẹp, hùng vĩ và có ý nghĩa ở nhiều nơi trên thế giới song dường như chẳng tượng đài nào nói lên được nhiều ý nghĩa, gắn với nhiều câu chuyện và được ghi nhận nhiều kỷ lục như bức tượng Nữ thần Tự do.
Mùa hè năm 1865, tại một bữa tiệc ở Paris, một nhóm trí thức Pháp nâng cốc chúc mừng tương lai của Hoa Kỳ. Họ hoạt động trong Phong trào khôi phục nền Cộng hoà ở nước Pháp. Thắng lợi của nền dân chủ ở Mỹ đã cho họ ngọn đuốc soi đường đầy hứa hẹn. Edouard René Lefèbre de Laboulaye, chủ nhân bữa tiệc, một trí thức tiếng tăm nêu ý kiến tặng một tượng đài hùng vĩ cho nền Độc lập Hoa Kỳ. Ý tưởng đó đã chiếm lĩnh trí óc của nhà điêu khắc trẻ Frédéric Auguste Bartholdi có mặt hôm ấy.
Bartholdi trước đây đã được giao nhiệm vụ làm một tượng đài ở kênh đào Suez (Ai Cập). Ông đã phác thảo một số mô hình, tượng một phụ nữ Ai Cập dương cao ngọn đuốc. Phương án này không được chấp nhận nhưng đã gợi ý cho ông về bức tượng theo đề xuất của Laboulaye.
Năm 1871, ông Bartholdi lên tàu sang Hoa Kỳ, đi khảo sát rất nhiêu nơi và cuối cùng quyết định chọn hòn đảo nhỏ Bedloe ở cửa biển New York làm nơi đặt tượng. Hòn đảo này nằm ở một vị trí truyệt đẹp, đối diện với 2 khu đông dân cư nhất của New York là Brooklyn và Manhattan. Mọi tàu bè đi vào thành phố phải đi qua trước mặt nó.
Ở Mỹ về, Bartholdi lao vào sáng tác. Kinh nghiệm từ những phác thảo trước đây và bức tranh “Nữ thần Tự do dẫn dắt nhân dân” của họa sĩ Eugène Delacroix đã giúp ông xây dựng bức tượng “để đời” tặng nhân dân Mỹ. Tượng là một người phụ nữ mang y phục của phụ nữ Hy Lạp hoặc La Mã thời cổ đại, tay phải giơ cao ngọn đuốc, biểu tượng của ngọn lửa Prômêtê mang đến cho loài người, tượng trưng cho Tự do, tay trái cầm một tấm bảng ghi dòng số La Mã 4/7/1776 là ngày độc lập của Mỹ . Trên trán nữ thần là một vòng nguyệt quế có 7 tia sáng toả ra tượng trưng cho 7 châu: Âu, Á, Úc, Mỹ, Phi, Bắc cực và Nam Cực. Dưới chân tượng, có một đoạn xiềng xích bị phá vỡ, tượng trưng cho việc xoá bỏ chế độ nô lệ và nạn độc tài trên thế giới.
Người ta bảo rằng nét mặt thanh tú và cương nghị của Nữ thần Tự do được dựa trên chân dung của chính thân mẫu của Bartholdi, người đã khích lệ nhà điêu khắc đi vào nghệ thuật. Còn tư thế và cánh tay giơ cao ngọn đuốc là của cô thiếu nữ xinh đẹp Jeanne de Pusieux đã kiên nhẫn đứng làm mẫu cho ông sáng tác. Tình yêu nảy sinh, cô đã trở thành vợ của ông.
Năm 1875 tại Pháp, Hội Pháp-Mỹ được thành lập để quyên góp tiền xây dựng bức tượng. Việc này chẳng dễ dàng thực hiện vì nước Pháp thời đó chìm đắm trong chế độ phong kiến hà khắc của Napolêon III. Nhưng cuối cùng, sau 19 năm lao động vất vả, vượt qua mọi thiếu thốn về vốn liếng, vật liệu, nhân công… bức tượng đã được đúc xong tại Paris năm 1884.
Sau khi hình mẫu đã được thông qua, Bartholdi chỉ huy việc đúc tượng tại xưởng Gaget, Gauthier & Company. Ông áp dụng kỹ thuật rập nổi các lá đồng dày từ 2,5 đến 3mm thay cho kỹ thuật đúc đồng thông thường. Kết cấu tượng được giao cho kỹ sư Gustave Eiffel (lúc này, tuy chưa làm Tháp Eiffel nhưng ông đã nổi tiếng với những cây cầu thép lớn). Tượng cao 45,30 m, thời đó là một độ cao khủng khiếp. Cấu trúc chịu lực là một trụ trung tâm gồm 4 cột sắt giằng chặt vào nhau. Trụ này cao 29m, neo chặt vào bệ tượng. Trên đỉnh có một trụ thứ hai cao 12,2m để giữ cánh tay cầm đuốc. Một hệ khung nữa tách ra khỏi trụ trung tâm để gắn các tấm đồng đúc rời của tượng, có độ linh hoạt cao, cho phép các tấm đồng co giãn theo nhiệt độ và làm tượng chuyển động cùng với gió. Cả khối tượng có thể đu đưa 10 cm, ngọn đuốc có thể dao động 13cm.
Tượng đúc ở Pháp, còn phần bệ tại Hoa Kỳ được giao cho kiến trúc sư Mỹ Richard Morris Hunt thiết kế từ năm 1881. Song người Mỹ không tin vào sự thành công của công trình táo bạo này, cho rằng chỉ là một dự án vu vơ của “một anh chàng Pháp mơ mộng” nên mãi 3 năm sau bản thiết kế mới được duyệt và do vậy thi công chậm so với tiến độ của phía Pháp. Bệ tượng cao 26,7cm, màu vàng lấp lánh đặt tại giữa pháo đài Fort Wood trên đảo Bedloe.
Bức tượng đúc xong, sau một thời gian triển lãm tại quê nhà, ngày 19/6/1885, chiếc tàu thuỷ Isere của Pháp chở bức tượng tháo rời, đựng trong 214 thùng gỗ đến đảo Bedloe. Tháng 5/1886, tượng được dựng lên bệ. Các công nhân đã sử dụng 300.000 chiếc đinh tán để ghép nối 80.640 tấm đồng vào khung mà không dùng dàn giáo, họ thường làm việc bằng cách treo lơ lửng trên không bằng dây thừng.
Ngày 23/10/1886, tấm đồng cuối cùng được ghép xong. Nữ thần Tự do mặt hướng ra biển cả bao la giữa bầu trời lồng lộng. Ngày 28/10/1886, chính thức bàn giao bức tượng nhân dân Pháp tặng nhân dân Mỹ trong một buổi lễ hết sức trọng thể trong niềm sung sướng và tự hào của hai dân tộc. Cả thành phố đổ ra đường và kéo đến cảng để chứng kiến lễ khánh thành. Một hạm đội lớn, mang màu sắc của ngày hội diễu hành trên biển. Tổng thống Mỹ đương nhiệm lúc ấy là ông Grover Cleveland đã cắt băng khai mạc.
Từ ngày đó, Mỹ có một “báu vật truyền quốc” mang ý nghĩa lịch sử. Lúc ấy, nước Mỹ giàu có và còn hoang sơ đang tiếp nhận một cuộc nhập cư từ khắp nơi trên thế giới đổ về. Vị Nữ thần tượng trưng cho đất nước non trẻ này, đứng nơi cửa vào, giơ cao ngọn đuốc soi sáng lối vào vùng đất tự do, với tấm lòng bao dung rộng mở, sẵn sàng tiếp đón những con người khốn khổ, những tâm hồn mệt mỏi vì một vết thương lòng nào đó, những người dắt díu nhau từ bỏ quê hương để đi tìm cuộc sống mới.
Ngọn đuốc của nữ thần sáng bằng 2.500 lần ánh trăng rằm. Chưa có bức tượng nào trên thế giới lớn hơn tượng Nữ thần Tự do. Chưa địa điểm nào trên Trái đất đón nhận dân tứ xứ kéo đến đông như New York, đúng như lời thơ của thi hào Emma Lazurus khắc dưới chân tượng “Cứ đến đây đi, những người mệt mỏi, nghèo khó…”.
Bài thơ gợi lên hình ảnh những con người tha hương lũ lượt kéo sang đây hồi cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, biến New York thành thành phố lớn nhất thế giới của hàng trăm sắc dân. Tượng Nữ thần Tự do trở thành một địa điểm tham quan hàng đầu thế giới thu hút mỗi năm 2 triệu du khách đến tham quan.
Chân tượng đài trước đây là một pháo đài đứng canh bờ biển thì nay là một bảo tàng lịch sử về sự ra đời của tượng đài. Hệ thống thang máy và mấy trăm bậc thang dẫn các du khách lên tận đỉnh đầu của tượng. Chỉ riêng khoảng không gian bên trong của đầu tượng cùng lúc có thể chứa 400 người. Từ đây, nhìn hết tầm mắt, có thể thấy biển khơi mênh mông, tàu bè qua lại cũng như thành phố New York với những tòa nhà chọc trời hùng vĩ. Chỉ tiếc là không còn toà Tháp đôi ngất ngưởng, đã bị bọn khủng bố đánh đổ sập 10 năm về trước.
Ngoài việc thu hút được hàng triệu người nhập cư đến đảo Ellis Island lân cận, bức tượng còn có một chức năng thực tiễn hơn là làm ngọn hải đăng, dẫn đường cho các tàu vào vịnh. Vì thế lúc đầu bức tượng được đặt dưới sự quản lý của Ủy ban Hải đăng Mỹ, rồi sau đó, dưới sự quản lý của Công viên quốc gia.
"17-mile drive” là con đường du lịch nổi tiếng nằm ở ven biển Thái Bình Dương, thuộc phần đất của Pebble Beach và Del Monte Forest ở miền bắc của tiểu bang California. Cách biển du lịch Santa Cruz khoảng 40 phút lái xe, và cách thành phố San jose khoảng 2 tiếng lái xe. Mặc dù chỉ có 17 dặm đường, nơi này có rất nhiều cảnh đẹp, hấp dẫn. Có đến 3 sân golf lớn, sang trọng dành riêng cho những cuộc thi đánh golf lớn của Mỹ cũng như của thế giới. Nhiều biệt thự tuyệt vời với giá hàng triệu Mỹ kim của thế giới nhà giàu. Cung đường 17 dặm nổi tiếng, rất đẹp, được xếp vào loại “Scenic road“, những con đường thắng cảnh của nước Mỹ.
Có tổng số 21 địa điểm thăm viếng, ngắm cảnh dọc theo chiều dài 17 dặm. Đầu tiên du khách mua vé vào cổng cho mỗi xe là $25 USD. Chạy vài phút du khách lạc vào những con đường hai bên là rừng thông già phủ đầy rêu phong xanh nhạt, với những khu biệt thự sang trọng, với nhiều lối kiến trúc và màu sắc khác nhau. Thỉnh thoảng, có những khung trời bao la xanh ngát, loáng thoáng những tay nhà giàu đang chơi đánh golf. Một vài nơi dành riêng cho du khách dừng xe lại để ngắm nhìn phong cảnh đẹp của rừng thông phủ đầy rong rêu. Ra tới biển xanh thẳm, một bãi cát vàng và sau đó là một bãi đá sỏi thiên nhiên. Với vô số những hòn đá, như những trứng khủng long, được chất đầy ven biển ngày đêm chống chọi với sóng biển và nắng gió. Kế đến là một mõm đá nhô ra biển, tạo một cái vịnh nhỏ cho hàng vạn con chim biển phơi mình tắm nắng. Bên cạnh nơi đây cũng là sân golf, hình như ở đây sân golf có mặt khắp nơi.
Trên cung đường có vô số những ghềnh đá đĩa, đá cuội và những chỏm núi cao vút hướng ra biển. Tiếp đến là một bãi biển, nhưng chỉ dành riêng cho khách ghé chân là chính. Vì xa xa bờ là những ốc đảo, nơi có hàng vạn con sư tử biển nằm ngổn ngang trên núi. Tiếng kêu la của chúng làm nhộn nhịp cả một góc trời. Nơi đây có nhiều những ống nhòm dành riêng cho du khách. Bỏ tiền xu vào có thể xem những loài sư tử biển đang làm trò trên những vách núi, nhất là vào mùa “yêu đương” của chúng. Nhiều du khách thích thú được tận tay đút từng hạt hướng dương cho loài sóc biển. Chắc có lẽ chúng được du khách cho ăn nhiều, nên con nào cũng tròn ú trông rất dễ thương. Sang đến khu vực dành riêng cho loài rái cá, chúng sống thành từng đàn tại khu vực này, nên du khách cũng có dịp để xem loài chuyên bắt cá. Nhiều khu nhà sang trọng bằng gạch đá, bằng sành sứ được thiết kế cầu kỳ và lạ mắt. Những ngôi này gây sự chú ý đặc biệt cho du khách… Nhiều người còn dừng xe lại để chụp một vài bức ảnh làm kỷ niệm…
Rồi cũng theo con đường sát bờ biển du khách sẽ thấy vô số những cây bách có hàng ngàn năm tuổi, có những cây đã chết để lại những “tấm thân” hóa thạch trắng xóa, với những hình thù kỳ dị ma quái do thiên nhiên tạo nên được gọi là khu “The Ghost Tree”. Chạy xe tiếp vài phút du khách sẽ trầm trồ với những vẻ đẹp kỳ lạ của những bãi đá có hình dáng đẹp mắt, ẩn hiện sau những đợt sóng trắng xóa. Rồi một núi đá nhỏ nhô ra biển đơn độc một cây bách già trên 250 tuổi The Lone Cypress. Có quá nhiều những điều thú vị trên một đoạn đường đúng 17 dặm, nhưng là 17 dặm tuyệt vời đưa khách lãng du đi “lên non cao, đi về biển rộng” mà mỗi khi đã đặt chân đến là còn mãi vấn vương.