In trang này
03
04

Văn hóa Singapore

Đánh giá bài này
(0 bình chọn)

Singapore là một quốc gia đa dạng và non trẻ, với nhiều ngôn ngữ, tôn giáo, và văn hóa. Khi Singapore độc lập từ Anh Quốc vào năm 1963, hầu hết công dân là những lao động không có học thức đến từ Malaysia, Trung Quốc và Ấn Độ. Nhiều người trong số họ là những lao động ngắn hạn, đến Singapore nhằm kiếm một khoản tiền và không có ý định ở lại. Ngoại trừ người Peranakan (hậu duệ của người Hoa nhập cư vào thế kỷ 15-16) đảm bảo lòng trung thành của họ với Singapore, thì hầu hết người lao động trung thành với quê hương của họ. Sau khi độc lập, quá trình thiết lập một bản sắc Singapore được khởi động.

Các cựu thủ tướng Lý Quang Diệu và Ngô Tác Đồng từng tuyên bố rằng Singapore không thích hợp với mô tả truyền thống về một quốc gia, gọi đây là một xã hội quá độ, chỉ ra thực tế rằng không phải toàn bộ người Singapore nói cùng một ngôn ngữ, chia sẻ cùng một tôn giáo, hoặc có phong tục tương đồng. Mặc dù tiếng Anh là ngôn ngữ thứ nhất của quốc gia, song theo điều tra nhân khẩu năm 2010 của chính phủ thì có 20% người Singapore không biết đọc viết bằng tiếng Anh, con số này vào năm 1990 là 40%. Chính phủ nhận định sự hài hòa chủng tộc và tôn giáo là bộ phận quan trọng trong thành công của Singapore, và đóng vai trò quan trọng trong việc kiến thiết một bản sắc Singapore.

Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của Singapore là cơ cấu dân số đa dạng gồm nhiều chủng tộc nhờ vào vị trí địa lý thuận lợi và những thành tựu thương mại của đất nước. Được ngài Thomas Stamford Raffles thành lập như một đầu mối giao thương buôn bán vào ngày 29 tháng 1 năm 1819, Singapore - một làng chài nhỏ bé ngày nào đã nhanh chóng thu hút những người dân nhập cư và các thương nhân đến từ Trung Quốc, tiểu lục địa Ấn Độ, Indonesia, bán đảo Mã Lai và vùng Trung Đông.

Bị lôi cuốn bởi viễn cảnh tương lai tươi đẹp, những người nhập cư đã mang theo những nét riêng về văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán và các lễ hội của mình đến Singapore. Các cuộc kết hôn chéo và sự chung sống hòa hợp giữa các dân tộc đã dệt nên một bức tranh văn hóa đầy màu sắc, hình thành một xã hội Singapore đa dạng và mang lại cho đảo quốc này một di sản văn hóa phong phú đầy sức sống. Cho đến cuối thế kỉ 19, Singapore đã trở thành một trong những thành phố đa chủng tộc – đa văn hóa nhất của châu Á với các dân tộc chủ yếu là người Hoa, người Mã Lai, người Ấn, người Peranakan và những người Á Âu.

Quốc hoa của Singapore là Vanda 'Miss Joaquim', được đặt tên theo một phụ nữ Armenia sinh tại Singapore, bà phát hiện loài hoa này trong vườn nhà tại Tanjong Pagar vào năm 1893. Nhiều phù hiệu quốc gia như quốc huy Singapore và biểu tượng đầu sư tử Singapore sử dụng hình tượng sư tử, do Singapore được mệnh danh là 'Thành phố Sư tử'. Các ngày lễ công cộng tại Singapore bao trùm các lễ chính của người Trung Hoa, Tây phương, Mã Lai, Ấn Độ.

Ảnh: Quốc hoa Singapore là hoa phong lan Vanda 'Miss Joaquim'

Ngày nay, người Hoa chiếm 74,2% dân số Singapore, và người Mã Lai – những cư dân đầu tiên ở nước này, chiếm 13,4%. Người Ấn chiếm 9,2%, còn lại là người Á Âu, Perankan và các dân tộc khác chiếm 3,3%. Singapore còn là nơi sinh sống và làm việc của một cộng đồng người nước ngoài rộng lớn nhau như Bắc Mỹ, Úc, Châu Âu, Trung Quốc và Ấn Độ.

Như một sự phản ánh của nền văn hóa đa dạng, Singapore đã chọn ra  ngôn ngữ đại diện cho bốn dân tộc chính của đất nước. Bốn ngôn ngữ chính thức trong Hiến pháp của Singapore bao gồm tiếng Anh, tiếng Hoa, tiếng Mã Lai và tiếng Tamil. Mặc dù tiếng Malay là ngôn ngữ quốc gia,nhưng tiếng Anh là ngôn ngữ thường được sử dụng trong giao dịch kinh doanh, chính phủ và các phương tiện giảng dạy trong trường học.

Sự có mặt của các ngôn ngữ khác, đặc biệt là các biến thể của tiếng Mã Lai và tiếng Hoa, đã có ảnh hưởng rõ rệt đến cách dùng tiếng Anh tại Singapore. Ảnh hưởng này đặc biệt rõ nét trong cách sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp thông thường, một dạng tiếng Anh lai tiếng địa phương thường được biết đến với tên gọi Singlish. Là một dấu hiệu đặc trưng để nhận biết người Singapore, ngôn ngữ này tiêu biểu cho hình thức biến tấu ngôn ngữ bằng cách lồng ghép các từ của tiếng Mã Lai, tiếng Hoa và tiếng Ấn vào tiếng Anh.

Hầu như mọi người dân Singapore đều có thể nói nhiều hơn một thứ tiếng, trong đó nhiều người có thể nói được tới ba hoặc bốn thứ tiếng. Hầu hết trẻ em lớn lên trong môi trường song ngữ từ thuở nhỏ và có thể học các ngôn ngữ khác khi lớn lên. Trong phần lớn dân số biết hai thứ tiếng, tiếng Anh và tiếng Hoa phổ thông là hai ngôn ngữ được dùng phổ biến nhất trong cuộc sống hàng ngày. Trong khi tiếng Anh là ngôn ngữ chính được dạy ở trường học thì trẻ em vẫn học tiếng mẹ đẻ để duy trì truyền thống văn hóa của dân tộc mình.

Đối với phần lớn người Hoa thì tiếng Phổ Thông được chọn là ngôn ngữ chính thay vì các biến thể khác như tiếng Phúc Kiến, tiếng Triều Châu, tiếng Quảng Đông, tiếng Khách Gia, tiếng Hải Nam và tiếng Phúc Châu. Tiếng phổ thông là ngôn ngữ được sử dụng phổ biến thứ hai của người Singapore gốc Hoa, tiếng Phổ Thông đã được dùng rộng rãi kể từ phong trào “Nói Tiếng Phổ Thông” – phong trào hướng đến cộng đồng người Hoa trong suốt năm 1980. Trong những năm 90, những nỗ lực này nhằm hướng đến những người Hoa được giáo dục trong môi trường tiếng Anh.

Các môn thể thao đại chúng tại Singapore gồm có bóng đá, bóng rổ, cricket, bơi, đi thuyền, bóng bàn và cầu lông. Hầu hết người Singapore sống trong các khu chung cư gần các tiện ích như hồ bơi, bên ngoài có sân bóng rổ và khu thể thao trong nhà. Các môn thể thao dưới nước phổ biến tại đảo quốc, trong đó có đi thuyền, chèo thuyền kayak và lướt ván. Lặn biển là một môn thể thao tiêu khiển phổ biến khác, đảo Hantu đặc biệt nổi tiếng với các rạn san hô phong phú. Giải bóng đá của Singapore mang tên S-League được hình thành vào năm 1994, Singapore bắt đầu tổ chức một vòng thi đấu của giải vô địch công thức 1 thế giới, Singapore Grand Prix, vào năm 2008. Singapore tổ chức Thế vận hội trẻ kỳ đầu tiên vào năm 2010.

 

Xem 3394 lần