Giới thiệu Singapore

Singapore là một quốc gia đa dạng và non trẻ, với nhiều ngôn ngữ, tôn giáo, và văn hóa. Khi Singapore độc lập từ Anh Quốc vào năm 1963, hầu hết công dân là những lao động không có học thức đến từ Malaysia, Trung Quốc và Ấn Độ. Nhiều người trong số họ là những lao động ngắn hạn, đến Singapore nhằm kiếm một khoản tiền và không có ý định ở lại. Ngoại trừ người Peranakan (hậu duệ của người Hoa nhập cư vào thế kỷ 15-16) đảm bảo lòng trung thành của họ với Singapore, thì hầu hết người lao động trung thành với quê hương của họ. Sau khi độc lập, quá trình thiết lập một bản sắc Singapore được khởi động.

Các cựu thủ tướng Lý Quang Diệu và Ngô Tác Đồng từng tuyên bố rằng Singapore không thích hợp với mô tả truyền thống về một quốc gia, gọi đây là một xã hội quá độ, chỉ ra thực tế rằng không phải toàn bộ người Singapore nói cùng một ngôn ngữ, chia sẻ cùng một tôn giáo, hoặc có phong tục tương đồng. Mặc dù tiếng Anh là ngôn ngữ thứ nhất của quốc gia, song theo điều tra nhân khẩu năm 2010 của chính phủ thì có 20% người Singapore không biết đọc viết bằng tiếng Anh, con số này vào năm 1990 là 40%. Chính phủ nhận định sự hài hòa chủng tộc và tôn giáo là bộ phận quan trọng trong thành công của Singapore, và đóng vai trò quan trọng trong việc kiến thiết một bản sắc Singapore.

Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của Singapore là cơ cấu dân số đa dạng gồm nhiều chủng tộc nhờ vào vị trí địa lý thuận lợi và những thành tựu thương mại của đất nước. Được ngài Thomas Stamford Raffles thành lập như một đầu mối giao thương buôn bán vào ngày 29 tháng 1 năm 1819, Singapore - một làng chài nhỏ bé ngày nào đã nhanh chóng thu hút những người dân nhập cư và các thương nhân đến từ Trung Quốc, tiểu lục địa Ấn Độ, Indonesia, bán đảo Mã Lai và vùng Trung Đông.

Bị lôi cuốn bởi viễn cảnh tương lai tươi đẹp, những người nhập cư đã mang theo những nét riêng về văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán và các lễ hội của mình đến Singapore. Các cuộc kết hôn chéo và sự chung sống hòa hợp giữa các dân tộc đã dệt nên một bức tranh văn hóa đầy màu sắc, hình thành một xã hội Singapore đa dạng và mang lại cho đảo quốc này một di sản văn hóa phong phú đầy sức sống. Cho đến cuối thế kỉ 19, Singapore đã trở thành một trong những thành phố đa chủng tộc – đa văn hóa nhất của châu Á với các dân tộc chủ yếu là người Hoa, người Mã Lai, người Ấn, người Peranakan và những người Á Âu.

Quốc hoa của Singapore là Vanda 'Miss Joaquim', được đặt tên theo một phụ nữ Armenia sinh tại Singapore, bà phát hiện loài hoa này trong vườn nhà tại Tanjong Pagar vào năm 1893. Nhiều phù hiệu quốc gia như quốc huy Singapore và biểu tượng đầu sư tử Singapore sử dụng hình tượng sư tử, do Singapore được mệnh danh là 'Thành phố Sư tử'. Các ngày lễ công cộng tại Singapore bao trùm các lễ chính của người Trung Hoa, Tây phương, Mã Lai, Ấn Độ.

Ảnh: Quốc hoa Singapore là hoa phong lan Vanda 'Miss Joaquim'

Ngày nay, người Hoa chiếm 74,2% dân số Singapore, và người Mã Lai – những cư dân đầu tiên ở nước này, chiếm 13,4%. Người Ấn chiếm 9,2%, còn lại là người Á Âu, Perankan và các dân tộc khác chiếm 3,3%. Singapore còn là nơi sinh sống và làm việc của một cộng đồng người nước ngoài rộng lớn nhau như Bắc Mỹ, Úc, Châu Âu, Trung Quốc và Ấn Độ.

Như một sự phản ánh của nền văn hóa đa dạng, Singapore đã chọn ra  ngôn ngữ đại diện cho bốn dân tộc chính của đất nước. Bốn ngôn ngữ chính thức trong Hiến pháp của Singapore bao gồm tiếng Anh, tiếng Hoa, tiếng Mã Lai và tiếng Tamil. Mặc dù tiếng Malay là ngôn ngữ quốc gia,nhưng tiếng Anh là ngôn ngữ thường được sử dụng trong giao dịch kinh doanh, chính phủ và các phương tiện giảng dạy trong trường học.

Sự có mặt của các ngôn ngữ khác, đặc biệt là các biến thể của tiếng Mã Lai và tiếng Hoa, đã có ảnh hưởng rõ rệt đến cách dùng tiếng Anh tại Singapore. Ảnh hưởng này đặc biệt rõ nét trong cách sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp thông thường, một dạng tiếng Anh lai tiếng địa phương thường được biết đến với tên gọi Singlish. Là một dấu hiệu đặc trưng để nhận biết người Singapore, ngôn ngữ này tiêu biểu cho hình thức biến tấu ngôn ngữ bằng cách lồng ghép các từ của tiếng Mã Lai, tiếng Hoa và tiếng Ấn vào tiếng Anh.

Hầu như mọi người dân Singapore đều có thể nói nhiều hơn một thứ tiếng, trong đó nhiều người có thể nói được tới ba hoặc bốn thứ tiếng. Hầu hết trẻ em lớn lên trong môi trường song ngữ từ thuở nhỏ và có thể học các ngôn ngữ khác khi lớn lên. Trong phần lớn dân số biết hai thứ tiếng, tiếng Anh và tiếng Hoa phổ thông là hai ngôn ngữ được dùng phổ biến nhất trong cuộc sống hàng ngày. Trong khi tiếng Anh là ngôn ngữ chính được dạy ở trường học thì trẻ em vẫn học tiếng mẹ đẻ để duy trì truyền thống văn hóa của dân tộc mình.

Đối với phần lớn người Hoa thì tiếng Phổ Thông được chọn là ngôn ngữ chính thay vì các biến thể khác như tiếng Phúc Kiến, tiếng Triều Châu, tiếng Quảng Đông, tiếng Khách Gia, tiếng Hải Nam và tiếng Phúc Châu. Tiếng phổ thông là ngôn ngữ được sử dụng phổ biến thứ hai của người Singapore gốc Hoa, tiếng Phổ Thông đã được dùng rộng rãi kể từ phong trào “Nói Tiếng Phổ Thông” – phong trào hướng đến cộng đồng người Hoa trong suốt năm 1980. Trong những năm 90, những nỗ lực này nhằm hướng đến những người Hoa được giáo dục trong môi trường tiếng Anh.

Các môn thể thao đại chúng tại Singapore gồm có bóng đá, bóng rổ, cricket, bơi, đi thuyền, bóng bàn và cầu lông. Hầu hết người Singapore sống trong các khu chung cư gần các tiện ích như hồ bơi, bên ngoài có sân bóng rổ và khu thể thao trong nhà. Các môn thể thao dưới nước phổ biến tại đảo quốc, trong đó có đi thuyền, chèo thuyền kayak và lướt ván. Lặn biển là một môn thể thao tiêu khiển phổ biến khác, đảo Hantu đặc biệt nổi tiếng với các rạn san hô phong phú. Giải bóng đá của Singapore mang tên S-League được hình thành vào năm 1994, Singapore bắt đầu tổ chức một vòng thi đấu của giải vô địch công thức 1 thế giới, Singapore Grand Prix, vào năm 2008. Singapore tổ chức Thế vận hội trẻ kỳ đầu tiên vào năm 2010.

 

Khi giành được độc lập năm 1965, Singapore là một đảo quốc nghèo, nhỏ bé (chừng 700 km2), rất ít tài nguyên thiên nhiên, thiếu nước ngọt, dân số tăng trưởng nhanh, nhà cửa xập xệ, nguy cơ xung đột sắc tộc và tôn giáo khá cao giữa người Hoa, Ấn Độ và Mã Lai. Lúc đó không có giáo dục cưỡng bách, rất ít trường trung học và đại học và lao động có tay nghề khan hiếm. Bức tranh của ngày hôm nay là một sự lột xác thần kỳ. Chỉ trong vòng 20 năm, Singapore nhảy vọt thành một nước phát triển công nghiệp hiện đại, một trung tâm thương mại, tài chính và vận chuyển hàng hóa tầm cỡ thế giới.

Khi ông Lý Quang Diệu làm thủ tướng năm 1959, thu nhập bình quân đầu người của Singapore là 400 USD. Hiện nay đã là 60.000 USD! Thành tựu này phần lớn nhờ Singapore có một hệ thống giáo dục khá riêng biệt, liên tục được xếp hạng rất cao trong danh sách các nước có nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới trong 10 năm qua. Theo báo cáo The Learning Curve 2014 của Công ty Giáo dục Pearson, hệ thống giáo dục Singapore đứng hạng 3 ở châu Á, chỉ sau Hàn Quốc và Nhật Bản.

Giáo dục Singapore từ các cấp tiểu học, trung học, và đại học hầu hết được nhà nước hỗ trợ. Toàn bộ các tổ chức dù là công hay tư đều phải được đăng ký với Bộ Giáo dục. Tiếng Anh là ngôn ngữ giảng dạy trong toàn bộ các trường học công, và toàn bộ các môn học được dạy và thi bằng tiếng Anh ngoại trừ bài luận bằng "tiếng mẹ đẻ". Trong khi thuật ngữ "tiếng mẹ đẻ" về tổng thể tầm quốc tế là đề cập đến ngôn ngữ thứ nhất, song nó được sử dụng nhằm đề cập đến ngôn ngữ thứ hai trong hệ thống giáo dục của Singapore, do tiếng Anh là ngôn ngữ thứ nhất. Các học sinh ở tại nước ngoài trong một thời gian, hoặc gặp khó khăn với "tiếng mẹ đẻ" của họ, được phép có một đề cương giản hóa hoặc bỏ qua môn học.

Giáo dục gồm ba giai đoạn: tiểu học, trung học, và tiền đại học, trong đó chỉ có cấp tiểu học là bắt buộc. Học sinh bắt đầu với 6 năm tiểu học, gồm 4 năm cơ sở và hai năm định hướng, chương trình giảng dạy tập trung vào phát triển Anh ngữ, bản ngữ, toán học, và khoa học. Trung học kéo dài 4-5 năm, và được phân thành các ban Đặc thù, Nhanh, Phổ thông (Học thuật), và Phổ thông (Kỹ thật) trong mỗi trường, dựa theo trình độ năng lực của mỗi học sinh. Phân loại chương trình cơ bản tương tự cấp tiểu học, song các lớp học chuyên biệt hơn nhiều.[126] Giáo dục tiền đại học diễn ra trong 2-3 năm tại các trường cao đẳng, hầu hết gọi là Học viện sơ cấp. Một số trường học được tự do trong chương trình giảng dạy của mình và được gọi là trường tự chủ. Các trường này tồn tại từ cấp trung học trở lên.

Các kỳ thi quốc gia được tiêu chuẩn hóa trong tất cá các trường học, với một bài kiểm tra được thực hiện sau mỗi giai đoạn. Sau sáu năm giáo dục đầu tiên, học sinh tham gia khảo thí rời tiểu học (PSLE), nó quyết định vị trí của họ tại trường trung học. Cuối giai đoạn trung học, khảo thí GCE trình độ "O" được tiến hành; vào cuối giai đoạn tiền đại học sau đó, khảo thí GCE trình độ "A" được tiến hành. Năm 2005, trong toàn bộ người Singapore 15 tuổi và lớn hơn mà không còn là học sinh, chỉ có 18% không có trình độ giáo dục.

Ngay từ cấp tiểu học, sau khi hoàn thành lớp 3, học sinh đã bắt đầu phân cấp theo khả năng học tập, các em có kết quả học tập cao hơn có thể lựa chọn vào học chương trình khó hơn. Sau đó, khi lên trình độ trung học cơ sở, học sinh được phân học theo tiến trình 4 năm hoặc 5 năm tuỳ theo trình độ. Ở giai đoạn trung học cơ sở này, học sinh đã được chọn nhóm ngành học phù hợp nhất với khả năng và sở thích của mình thay vì phải học dàn trải tất cả các môn học như một số quốc gia khác. Điều này giúp học sinh đi sâu phát triển khả năng nổi trội của bản thân.

Kết thúc giai đoạn trung học cơ sở, sau khi thi lấy chứng chỉ O-level, học sinh sẽ lựa chọn một trong 3 hướng tuỳ theo trình độ và sở thích. Đó là học 3 năm chương trình cao đẳng thực hành tại các trường công nghệ bách khoa Singapore hoặc học 2 năm bằng cao đẳng nghề để đi làm. Hướng thứ 3 dành cho những học sinh có khả năng cao hơn theo học chương trình chứng chỉ A-level (hai năm) tại các trường Junior College sau đó học lên bậc đại học (nếu đủ yêu cầu đầu vào) tại các trường đại học công lập của Singapore.

Ảnh: Hệ thống giáo dục Singapore

Sự phân cấp nhưng cũng linh hoạt trong hệ thống giáo dục Singapore giúp sinh viên dễ dàng hơn trong việc định hướng kế hoạch học tập cho bản thân. Học sinh, sinh viên hoàn toàn chủ động trong việc định hướng con đường học tập và tương lai nghề nghiệp của mình dựa trên khả năng của bản thân. Hàng năm, Chính phủ Singapore dành 20% tổng ngân sách quốc gia cho việc đầu tư vào giáo dục - chiếm tỷ trọng đầu tư lớn nhất trong tất cả các ngành.

Chất lượng giáo dục luôn luôn được chú trọng cả về cơ sở vật chất và tài sản trí tuệ. Theo QS Best student cities 2012, Singapore được xếp hạng là thành phố đào tạo đại học tốt nhất châu Á. Trong số 6 trường đại học công lập tại Singapore, trường NTU và NUS được xếp hạng top 50 trường đại học tốt nhất trên toàn thế giới. Ngoài hệ thống các trường công lập, tại Singapore còn có một bộ phận đóng vai trò quan trọng trong việc biến Singapore thành Global Schoolhouse, mang sinh viên quốc tế trên toàn thế giới đến đây học tập và đem lại cho Singapore nguồn thu đáng kể, đó là hệ thống các trường tư.

Hệ thống các trường tư đào tạo bậc đại học và sau đại học tại Singapore được định hướng theo chủ trương "đi tắt đón đầu". Điều này có nghĩa là họ không tự cấp bằng đại học và sau đại học mà tìm kiếm, liên kết đào tạo với các đại học đối tác nước ngoài - những trường đã có kinh nghiệm đào tạo lâu năm và đã được thế giới công nhận về chất lượng đào tạo. Bằng cấp sẽ do các trường đại học đối tác cấp cho sinh viên khi các em hoàn thành chương trình học tại Singapore, cho phép sinh viên được học các chương trình tiên tiến của các quốc gia phát triển hơn với một mức chi phí vừa phải.

Chương trình đào tạo tại các trường tư thường được rút ngắn với thời gian 2 - 3 năm để hoàn thành khoá đại học và 12 - 15 tháng cho khoá thạc sĩ. Điều này có được là do các trường tư, sinh viên không nghỉ hè, kết thúc mỗi bậc học, sinh viên nghỉ từ 2 đến 3 tuần trước khi chuyển lên bậc học cao hơn. Ngoài ra, sinh viên học các môn chuyên ngành được phát triển những kỹ năng và kiến thức chuyên sâu theo đúng khả năng và sở thích của mình ngay từ năm đầu tiên chứ không học dàn trải các môn kiến thức cơ bản chung chung.

Chất lượng đào tạo tại các trường tư được kiểm soát chặt chẽ bởi Uỷ ban quản lý các trường tư Council for Private Education (CPE) trực thuộc bộ giáo dục Singapore với các chính sách ngặt nghèo, đảm bảo chất lượng đào tạo, bằng cấp và đặc biệt là chính sách bảo vệ sinh viên quốc tế đến theo học tại Singapore.

 

Mặc dù những bản ghi chép đầu tiên về lịch sử Singapore đã bị phai nhòa theo thời gian, một tài liệu tiếng Hoa vào thế kỉ thứ 3 đã miêu tả mảnh đất này là “Pu-luo-chung”, hay còn gọi là “Hòn đảo ở tận cùng bán đảo”. Sau đó, khi những cộng đồng cư dân đầu tiên được hình thành từ năm 1298 đến năm 1299 trước Công nguyên thì mảnh đất này được biết đến với tên gọi là Temasek (nghĩa là “Thị trấn biển”).

Vào thế kỉ 14, hòn đảo nhỏ bé nhưng có vị trí chiến lược này đã có tên mới. Theo truyền thuyết, chàng Sang Nila Utama, một hoàng tử đến từ xứ Palembang (thủ đô của Srivijaya) trong chuyến đi săn đã gặp một con vật lạ mà chàng chưa bao giờ nhìn thấy. Coi đó là điềm lành, chàng liền đặt cho thành phố nơi xuất hiện con vật lạ cái tên là “Thành phố Sư tử” hay Singapura, mà theo tiếng Sanskrit thì “simha” có nghĩa là sư tử, còn “pura” có nghĩa là thành phố.

Vào thời gian đó, thành phố này được trị vì bởi 5 vị vua của Singapura cổ đại. Nằm ở vị trí địa đầu của bán đảo Mã Lai, là điểm quy tụ tự nhiên các dòng hải lưu, đất nước này đã đóng vai trò là một khu buôn bán nhộn nhịp với vô số các loại tàu buôn trên biển, từ các ghe thuyền của người Trung Quốc, tàu lớn của người Ấn Độ, thuyền buồm của người Ả Rập, tàu chiến của người Bồ Đào Nha cho đến những thuyền buồm dọc của người Bugis.

Giai đoạn quan trọng tiếp theo trong lịch sử Singapore là vào thế kỉ 19, thời điểm đất nước Singapore hiện đại được hình thành. Vào thời gian này, Singapore đã sớm trở thành cửa ngõ thông thương dọc theo eo biển Malacca, và người Anh đã nhận ra nhu cầu cần có một cảng biển cho toàn vùng. Những thương nhân Anh cần một vị trí chiến lược để nghỉ ngơi và bảo vệ đội thương thuyền của một đế chế đang ngày càng hùng mạnh, cũng như ngăn chặn nguy cơ cạnh tranh của người Hà Lan trong vùng.

Khi đó, tỉnh trưởng của vùng Bencoolen (ngày nay là Bengkulu) ở xứ Sumatra là ngài Thomas Stamford Raffles đã đặt chân đến Singapore vào ngày 29/1/1819, sau một cuộc khảo sát các hòn đảo xung quanh. Nhận ra tiềm năng lớn của một hòn đảo bị bao phủ bởi đầm lầy, ông liền thương thảo một hiệp ước với những người trị vì khu vực này và xây dựng Singapore thành một trung tâm thương mại. Không lâu sau, chính sách tự do buôn bán của hòn đảo đã thu hút rất nhiều thương nhân từ khắp Châu Á và các miền đất xa xôi như Mỹ và vùng Trung Đông.

Vào năm 1832, Singapore đã trở thành trung tâm hành chính của Khu Định cư Eo biển Penang, Malacca và Singapore. Cùng với việc khai thông kênh đào Suez vào năm 1869 cũng như việc phát minh ra máy điện báo và tàu thủy chạy bằng hơi nước, Singapore ngày càng trở nên cực kì quan trọng với vai trò là cửa ngõ thông thương nối liền phương Đông với phương Tây. Cho đến năm 1860, dân số của đất nước thịnh vượng này từ con số chỉ 150 người vào năm 1819 đã tăng lên thành 80.792 người, chủ yếu là người Hoa, Ấn Độ và Mã Lai.

Thế nhưng vào Thế chiến thứ II, cuộc sống hòa bình và thịnh vượng của mảnh đất này đã bị hủy hoại, mở màn bằng cuộc tấn công bằng máy bay của quân Nhật vào ngày 8/12/1941. Và khi được nhận thấy là một pháo đài vô cùng vững chắc có tầm ảnh hưởng chiến lược, Singapore đã bị quân Nhật xâm chiếm vào ngày 15/2/1942. Singapore đã bị Nhật chiếm đóng Singapore trong vòng 3 năm rưỡi, khoảng thời gian đánh dấu sự đàn áp dã man đã cướp đi vô vàn mạng người.

Khi quân Nhật đầu hàng vào năm 1945, mảnh đất này đã rơi vào tay Chính quyền Quân sự Anh, cho đến khi Khu Định cư Eo biển gồm Penang, Melaka và Singapore giải tán. Vào tháng 3 năm 1946, Singapore trở thành một Thuộc địa Hoàng gia Anh

Vào năm 1959, sự phát triển của chủ nghĩa dân tộc đã hình thành chế độ tự trị ở quốc gia này và cuộc tổng tuyển cử đầu tiên đã diễn ra. Đảng Nhân Dân Hành Động (PAP) đã giành được 43 ghế và Ông Lý Quang Diệu trở thành thủ tướng đầu tiên của Singapore. Vào năm 1961, Singapore sát nhập vào Malaya và hợp nhất với Liên bang Malaya, Sarawak và Bắc Borneo thành nước Malaysia vào năm 1963. Tuy nhiên, cuộc hợp nhất không đạt được nhiều thành công và gần 2 năm sau đó, cụ thể là vào ngày 9 tháng 8 năm 1965, Singapore đã tách khỏi Malaysia và trở thành một quốc gia độc lập với nền dân chủ có chủ quyền lãnh thổ. Vào ngày 22 tháng 12 năm đó, Singapore cuối cùng đã chính thức trở thành một nước Cộng hòa độc lập.

Qua ba thập kỷ nhiệm quyền của Lý Quang Diệu, Singapore từ một quốc gia đang phát triển nay đứng trong hàng ngũ những quốc gia phát triển nhất thế giới, mặc cho dân số ít ỏi, diện tích nhỏ bé và tài nguyên thiên nhiên nghèo nàn. Lý Quang Diệu thường nói rằng tài nguyên duy nhất của Singapore là người dân và tinh thần làm việc hăng say của họ. Ông nhận được sự kính trọng của nhiều người Singapore, đặc biệt là những người lớn tuổi, họ luôn nhớ đến khả năng lãnh đạo của ông trong thời kỳ độc lập và tách rời khỏi Malaysia. Lý Quang Diệu vẫn thường được xem là nhà kiến trúc cho sự phú cường của Singapore ngày nay, mặc dù vai trò này có sự đóng góp đáng kể của phó thủ tướng, Tiến sĩ Goh Keng Swee, nhân vật chịu trách nhiệm xây dựng và phát triển nền kinh tế Singapore.

Lý Quang Diệu chọn Anh ngữ là ngôn ngữ công sở và ngôn ngữ chung cho các chủng tộc khác nhau, trong khi vẫn công nhận tiếng Mã Lai, tiếng Trung Hoa và tiếng Tamil là ngôn ngữ chính thức. Hầu hết trường học đều sử dụng tiếng Anh như là chuyển ngữ cho học tập, mặc dù tiếng mẹ đẻ vẫn được dạy trong trường học.

Lý Quang Diệu khuyến khích người dân ngưng sử dụng các phương ngữ của tiếng Hoa, và phát triển tiếng Phổ thông (Standard Mandarin) như một ngôn ngữ thay thế, chiếm lấy vị trí "tiếng mẹ đẻ" với mục tiêu xây dựng một ngôn ngữ giao tiếp chung cho cộng đồng người Hoa. Năm 1979, Lý Quang Diệu chính thức phát động phong trào nói tiếng Hoa phổ thông. Ông cho hủy bỏ tất cả chương trình truyền hình bằng tiếng địa phương, ngoại trừ các chương trình tin tức và nhạc kịch (phục vụ cho người lớn tuổi). Biện pháp này đã làm suy tàn các phương ngữ của tiếng Hoa; ngày nay người ta nhận ra rằng giới trẻ Singapore gốc Hoa không còn thông thạo khi sử dụng phương ngữ tiếng Hoa, vì vậy họ gặp nhiều khó khăn khi tiếp xúc với ông bà của họ là những người chỉ biết nói tiếng Hoa địa phương.

Ngày nay, bạn có thể chiêm ngưỡng các di sản lịch sử phong phú của Singapore qua các chuyến thăm tới nhiều công trình kỷ niệm, bảo tàng và các đài tưởng niệm quốc gia nằm xung quanh thành phố. Khi tới đây tham quan, bạn hãy nhớ đi bộ dọc theo một trong những khu di sản hoặc thăm những danh lam nổi tiếng để có được một chuyến đi với cảm nhận trọn vẹn về đất nước Singapore.

 

Singapore có tên chính thức là nước Cộng hòa Singapore, là một đảo quốc tại Đông Nam Á. Nhiều người gọi đảo quốc Singapore là “chấm đỏ” trên bản đồ, nhưng vị thế của Singapore ngày nay lớn hơn nhiều so với chấm nhỏ đó. Thực tế, Singapore là một thành phố quốc tế náo nhiệt với môi trường sống đẳng cấp hàng đầu thế giới và là mảnh đất được phủ kín bởi những tòa nhà cao tầng xen lẫn cây xanh rợp bóng. Một khía cạnh thú vị khác mà bạn sẽ tìm thấy ở Singapore chính là sự tổng hòa của nhiều nền văn hóa đa dạng, nơi con người của những sắc tộc và tín ngưỡng khác nhau cùng chung sống.

 

Địa lý

Singapore là một hòn đảo có hình dạng một viên kim cương được nhiều đảo nhỏ khác bao quanh. Có hai con đường nối giữa Singapore và bang Juhor của Malaysia, một con đường nhân tạo có tên Đường đắp cao Johor-Singapor ở phía bắc, băng qua eo biển Tebrau và Liên kết thứ hai Tuas, một cầu phía tây nối với Juhor. Đảo Jurong, Pulau Tekong, Pulau Ubin và Sentosa là những đảo lớn nhất của Singapore, ngoài ra còn có nhiều đảo nhỏ khác. Vị trí cao nhất của Singapore là đồi Bukit Timah với độ cao 166 m.

Vùng thành thị trước đây chỉ tập trung bao quanh sông Singapore, hiện nay là trung tâm buôn bán của Singapore, trong khi đó những vùng còn lại rừng nhiệt đới ẩm hoặc dùng cho nông nghiệp. Từ thập niên 1960, chính phủ đã xây dựng nhiều đô thị mới ở những vùng xa, tạo nên một Singapore với nhà cửa san sát ở khắp mọi miền, mặc dù Khu vực Trung tâm vẫn là nơi hưng thịnh nhất. Ủy ban Quy hoạch Đô thị là một ban của chính phủ chuyên về các hoạt động quy hoạch đô thị với nhiệm vụ là sử dụng và phân phối đất hiệu quả cũng như điều phối giao thông. Ban đã đưa ra quy hoạch chi tiết cho việc sử dụng đất ở 55 khu vực.

Singapore đã mở mang lãnh thổ bằng đất lấy từ những ngọn đồi, đáy biển và những nước lân cận. Nhờ đó, diện tích đất của Singapore đã tăng từ 581,5 km² ở thập niên 1960 lên 697,25 km² ngày nay, và có thể sẽ tăng thêm 100 km² nữa đến năm 2030.

 

Khí hậu

Singapore có khí hậu xích đạo ẩm với các mùa không phân biệt rõ rệt. Đặc điểm của loại khí hậu này là nhiệt độ và áp suất ổn định, độ ẩm cao và mưa nhiều. Nhiệt độ thay đổi trong khoảng 22°C đến 31 °C (72°–88°F). Trung bình, độ ẩm tương đối khoảng 90% vào buổi sáng và 60% vào buổi chiều. Trong những trận mưa lớn kéo dài, độ ẩm tương đối thường đạt 100%. Nhiệt độ cao nhất và thấp nhất đã từng xuất hiện là 18,4 °C (65,1 °F) và 37,8 °C (100,0 °F).

Sự đô thị hóa đã làm biến mất nhiều cánh rừng mưa nhiệt đới một thời, hiện nay chỉ còn lại một trong số chúng là Khu Bảo tồn Thiên nhiên Bukit Timah. Tuy nhiên, nhiều công viên đã được gìn giữ với sự can thiệp của con người, ví dụ như Vườn Thực vật Quốc gia. Không có nước ngọt từ sông và hồ, nguồn cung cấp nước chủ yếu của Singapore là từ những trận mưa rào được giữ lại trong những hồ chứa hoặc lưu vực sông.

Mưa rào cung cấp khoảng 50% lượng nước, phần còn lại được nhập khẩu từ Malaysia hoặc lấy từ nước tái chế - một loại nước có được sau quá trình khử muối. Nhiều nhà máy sản xuất nước tái chế đang được đề xuất và xây dựng nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu.

 

Lịch sử

Các hòn đảo của Singapore có người định cư vào thế kỷ thứ 2 Công nguyên và sau đó thuộc một số quốc gia bản địa. Năm 1819, chính trị gia Anh Quốc Stamford Raffles thành lập Singapore hiện đại với vai trò là một trạm mậu dịch của Công ty Đông Ấn Anh, hành động này được Vương quốc Johor cho phép. Anh Quốc giành được chủ quyền đối với đảo vào năm 1824, và Singapore trở thành một trong Các khu định cư Eo biển của Anh Quốc vào năm 1826.

Nhật Bản chiếm đóng Singapore trong Chiến tranh thế giới thứ hai, và sau chiến tranh Singapore tuyên bố độc lập từ Anh Quốc vào năm 1963, và hợp nhất với các cựu lãnh thổ khác của Anh Quốc để hình thành Malaysia, tuy nhiên Singapore bị trục xuất khỏi Malaysia hai năm sau. Kể từ đó, Singapore phát triển nhanh chóng, được công nhận là một trong Bốn con hổ châu Á. Singapore là một trong các trung tâm thương mại lớn của thế giới, với vị thế trung tâm tài chính lớn thứ tư và một trong năm cảng bận rộn nhất.

 

Kinh tế

Singapore hầu như không có tài nguyên, nguyên liệu đều phải nhập từ bên ngoài. Singapore chỉ có ít than, chì, nham thạch, đất sét; không có nước ngọt; đất canh tác hẹp, chủ yếu để trồng cao su, dừa, rau và cây ăn quả, do vậy nông nghiệp không phát triển, hàng năm phải nhập lương thực, thực phẩm để đáp ứng nhu cầu ở trong nước. Singapore có cơ sở hạ tầng và một số ngành công nghiệp phát triển cao hàng đầu châu Á và thế giới như: cảng biển, công nghiệp đóng và sửa chữa tàu, công nghiệp lọc dầu, chế biến và lắp ráp máy móc tinh vi. Singapore có 12 khu vực công nghiệp lớn, trong đó lớn nhất là Khu công nghiệp Jurong. Singapore là nước hàng đầu về sản xuất ổ đĩa máy tính điện tử và hàng bán dẫn. Singapore còn là trung tâm lọc dầu và vận chuyển quá cảnh hàng đầu ở châu Á. Singapore cũng được coi là nước đi đầu trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức.

Cựu nhà báo Chin Kah Chongrong cho rằng: "Trong thập niên 1960-1970, kinh tế Singapore được hưởng lợi từ việc cung cấp nhu yếu phẩm, nhiên liệu, vũ khí và phương tiện chiến tranh cho quân viễn chinh Mỹ ở Việt Nam. Riêng khoản xăng dầu và nhiên liệu, mỗi tháng Singapore cung cấp cho Mỹ lượng hàng trị giá 600 triệu đôla, thu nhập từ việc làm hậu cần cho quân đội Mỹ chính là nguồn lực ban đầu giúp Singapore xây dựng kinh tế đất nước". Tuy nhiên, ông Lý Quang Diệu luôn phủ nhận điều này. Trong hồi ký ông cho biết vật liệu chiến tranh chủ yếu Singapore cung cấp cho quân đội Mỹ chỉ là xăng dầu và nhớt bôi trơn từ các công ty dầu khí của Mỹ và Anh Quốc, và lợi nhuận vào tay Singapore là không đáng kể.

Nền kinh tế Singapore chủ yếu dựa vào buôn bán và dịch vụ (chiếm 40% thu nhập quốc dân). Kinh tế Singapore từ cuối những năm 1980 đạt tốc độ tăng trưởng vào loại cao nhất thế giới: 1994 đạt 10%, 1995 là 8,9%. Tuy nhiên, từ cuối 1997, do ảnh hưởng của khủng hoảng tiền tệ, đồng đô la Singapore đã bị mất giá 20% và tăng trưởng kinh tế năm 1998 giảm mạnh chỉ còn 1,3%. Từ 1999, Singapore bắt đầu phục hồi nhanh: Năm 1999, tăng trưởng 5,5%, và năm 2000 đạt hơn 9%. Do ảnh hưởng của sự kiện 11 tháng 9, suy giảm của kinh tế thế giới và sau đó là dịch SARS, kinh tế Singapore bị ảnh hưởng nặng nề: Năm 2001, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt -2,2%, 2002, đạt 3% và 2003 chỉ đạt 1,1%. Từ 2004, tăng trưởng mạnh: năm 2004 đạt 8,4%; 2005 đạt 5,7%; năm 2006 đạt 7,7% và năm 2007 đạt 7,5%. Năm 2009, GDP chỉ tăng 1,2% do tác động của khủng hoảng kinh tế.

Singapore cũng được coi là nước đi đầu trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức. Singapore đang thực hiện kế hoạch đến năm 2018 sẽ biến Singapore thành một thành phố hàng đầu thế giới, một đầu mối của mạng lưới mới trong nền kinh tế toàn cầu và châu Á và một nền kinh tế đa dạng nhạy cảm kinh doanh.

 

Chính trị

Singapore là một nước cộng hòa nghị viện, có chính phủ nghị viện nhất viện theo hệ thống Westminster đại diện cho các khu vực bầu cử. Hiến pháp của quốc gia thiết lập hệ thống chính trị dân chủ đại diện. Freedom House xếp hạng Singapore là "tự do một phần" trong báo cáo Freedom in the World của họ, và The Economist xếp hạng Singapore là một "chế độ hỗn hợp", hạng thứ ba trong số bốn hạng, trong "Chỉ số dân chủ" của họ. Tổ chức Minh bạch Quốc tế liên tục xếp Singapore vào hạng các quốc gia ít tham nhũng nhất trên thế giới.

Quyền hành pháp thuộc về Nội các Singapore, do Thủ tướng lãnh đạo, và ở một mức độ thấp hơn rất nhiều là Tổng thống. Tổng thống được bầu thông qua phổ thông đầu phiếu, và có quyền phủ quyết đối với một tập hợp cụ thể các quyết định hành pháp, như sử dụng dự trữ quốc gia và bổ nhiệm các thẩm phán, song vai trò phần lớn mang tính lễ nghi.

Quốc hội đóng vai trò là nhánh lập pháp của chính phủ. Các thành viên của Quốc hội gồm có các thành viên đắc cử, phi tuyển khu và được chỉ định. Các thành viên đắc cử được bầu vào Quốc hội trên cơ sở "đa số chế" và đại diện cho các khu vực bầu cử có một hoặc nhóm đại diện. Đảng Hành động Nhân dân giành quyền kiểm soát quốc hội với đa số lớn trong tất cả các cuộc bầu cử kể từ khi Singapore tự trị vào năm 1959.

Hệ thống tư pháp của Singapore dựa trên thông luật Anh, song có các khác biệt địa phương đáng kể. Việc bồi thẩm đoàn xử án bị bãi bỏ vào năm 1970, các phán quyết tư pháp sẽ hoàn toàn nằm trong tay các thẩm phán được chỉ định. Singapore có các hình phạt bao gồm cả trừng phạt thân thể tư pháp dưới dạng đánh đòn hoặc phạt roi nơi công cộng, có thể áp dụng đối với các tội hình như hiếp dâm, gây rối loạn, phá hoại, và các vi phạm di trú nhất định. Tổ chức Ân xá Quốc tế cho rằng một số điều khoản pháp lý của Singapore xung đột với quyền được cho là vô tội cho đến khi bị chứng minh là có tội, và rằng Singapore "có thể có tỷ lệ hành quyết cao nhất trên thế giới so với dân số của quốc gia". Chính phủ Singapore bất đồng ý kiến với các tuyên bố của Tổ chức Ân xá Quốc tế. Trong một nghiên cứu vào năm 2008, Singapore và Hong Kong xếp hàng đầu về chất lượng hệ thống tư pháp tại châu Á.

 

Dân số

Năm 2012, dân số Singapore là 5,312 triệu người, trong đó 3,285 triệu (62%) là công dân Singapore và những người còn lại (38%) là những cư dân thường trú hoặc công nhân/học sinh ngoại quốc. 23% công dân Singapore sinh ra bên ngoài Singapore. Có một triệu cư dân thường trú tại Singapore vào năm 2012, số cư dân này không tính đến 11 triệu du khách tạm thời đến tham quan Singapore mỗi năm.

Tuổi thọ trung bình của người Singapore là 82  tuổi và quy mô hộ gia đình trung bình là 3,5 người. Do khan hiếm đất, 4/5 người Singapore sống trong các căn hộ được trợ cấp, cao tầng, công cộng được gọi là các căn hộ Cục Nhà ở và Phát triển (HDB), theo sau việc cục chịu trách nhiệm đối với nhà ở công tại quốc gia.  Năm 2010, tỷ lệ sở hữu nhà tại Singapore là 87,2%.

Tổng tỷ suất sinh được ước tính là 0,79 trẻ em trên mỗi phụ nữ vào năm 2013, đây là tỷ lệ thấp nhất thế giới và thấp hơn tỷ lệ cần thiết là 2,1 để thay thế dân số. Để khắc phục vấn đề này, chính phủ Singapore khuyến khích người ngoại quốc nhập cư đến Singapore trong vài thập niên gần đây. Một lượng lớn người nhập cư giúp cho dân số của Singapore không suy giảm. Singapore có truyền thống là một trong những quốc gia phát triển có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất, tỷ lệ thất nghiệp tại đây không vượt quá 4% trong thập kỷ qua, chạm mức cao 3% trong khủng hoản tài chính toàn cầu 2009 và giảm xuống 1,9% vào 2011.

Năm 2009, khoảng 40% cư dân Singapore là người ngoại quốc, một trong những tỷ lệ cao nhất trên thế giới. Công nhân ngoại quốc chiếm 80% lao động trong ngành xây dựng và chiếm 50% trong ngành phục vụ, có gần 200.000 người giúp việc gia đình tại Singapore.

Năm 2009, điều tra dân số của chính phủ báo cáo rằng 74,2% cư dân là người gốc Hoa, 13,4% là người gốc Mã Lai, và 9,2% là người gốc Ấn Độ, người Âu-Á và các nhóm khác chiếm 3,2%. Trước năm 2010, mỗi cá nhân chỉ có thể đăng ký làm thành viên của một chủng tộc, mặc định theo phụ hệ, do đó, những người hỗn chủng được xếp theo nhóm chủng tộc của người cha. Từ năm 2010 trở đi, người dân có thể đăng ký theo phân loại kép, trong đó họ có thể chọn một chủng tộc chính và một chủng tộc thứ, song không quá hai.

 

Đối tác tiêu biểu

Trải qua gần 20 năm hoạt động, công ty tư vấn du học Thế Hệ Mới tự hào là đại diện tuyển sinh chính thức tại Việt Nam của hàng trăm trường và tổ chức giáo dục uy tín ở Mỹ, Canada, Úc, Singapore.